Quy hoạch lại ngành điện
Bộ Công thương bắt đầu thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan trong quản lý và cung ứng điện. Theo ông Bùi Đức Thụ - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cần làm rõ thực trạng cách quản lý sản xuất kinh doanh của ngành điện trong giai đoạn vừa qua, chỉ rõ nguyên nhân vì sao lỗ lớn.
PV: Thưa ông, tình trạng thiếu điện đã từng được cảnh báo nhưng đến nay vẫn là vấn đề còn nhiều tồn tại. Ý kiến của ông?
Ông BÙI ĐỨC THỤ: Nguyên nhân của việc thiếu điện là do nhu cầu điện để phát triển kinh tế - xã hội giữ vai trò ngày càng lớn trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mọi vận hành của nền kinh tế bây giờ phụ thuộc rất lớn vào yếu tố đầu vào là năng lượng, mà trực tiếp chính là điện. Vì vậy để đảm bảo phát triển kinh tế một cách ổn định, bền vững thì điện luôn phải “đi trước một bước”. Phát triển điện phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước thì mới đảm bảo được sự phát triển kinh tế.
Trong những năm qua mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực điện nhưng cho đến bây giờ rõ ràng nhu cầu về điện không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, của nền kinh tế, của tiêu chuẩn. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay ngày càng nhanh và tác động ngày càng tiêu cực đến đời sống. Vì vậy tạo nên căng thẳng về điện, nhất là những ngày nắng nóng vừa qua, tình trạng trên càng bộc lộ một cách rõ nét.
Vậy theo ông chúng ta cần có giải pháp nào để khắc phục vấn đề thiếu điện trong thời gian tới?
- Để cân đối được nguồn điện, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống dân sinh, tôi cho rằng cần phải xem xét hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là phải phát triển nguồn điện. Đòi hỏi phải đảm bảo sản lượng điện sản xuất ra phải tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP. Muốn vậy, với những dự án điện đã được phê duyệt, quy hoạch nhưng triển khai chậm, bây giờ cần phải tập trung tháo gỡ để đảm bảo đúng tiến độ. Trường hợp không triển khai được thì thay đổi chủ đầu tư. Chúng ta có nhiều giải pháp phát triển nguồn điện nhưng những nhà máy điện luôn…lỡ hẹn. Thứ hai là cần phải bổ sung thêm các dự án để đáp ứng được quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống của người dân. Việt Nam rất có tiềm năng điện mặt trời, điện gió. Ngành điện phải có những giải pháp phát huy, khơi dậy được những tiềm năng nguồn lực của những nguồn điện sạch, xanh này.
Thưa ông, về căn cơ có lẽ nằm ở việc tái cơ cấu sản xuất của nền kinh tế?
- Bây giờ phải cơ cấu lại sản xuất kinh doanh theo hướng hạn chế ngành sử dụng nhiều điện mà chuyển sang những ngành tiêu thụ ít điện nhưng có những ưu thế, lợi thế và đem lại giá trị cao. Song đây là vấn đề lớn, gắn với chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế và có những chính sách đi kèm như về vốn, về thuế tạo động lực để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, giảm thiểu áp lực đối với tiêu thụ điện.
Hiện chúng ta cũng đang còn lãng phí trong sử dụng điện trong sản xuất kinh doanh, trong tiêu dùng của người dân. Ví dụ nhiều tuyến đường ở những thành phố lớn cứ đúng 18 giờ là bật điện và bật đến sáng. Tôi cho rằng, không cần thiết vì mùa hè thì 18 giờ trời vẫn sáng và cũng có nhiều tuyến đường ít người đi lại, vậy liệu có nên bật điện đường đến sáng hôm sau?. Như vậy ta phải rà soát lại cách tiêu dùng điện và phải có chính sách có cơ chế, cộng với quá trình vận động người dân vận động các tổ chức, cá nhân tiêu dùng tiết kiệm điện.
Bộ Công thương bắt đầu thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan trong quản lý và cung ứng điện. Cá nhân ông mong mỏi gì sau thanh tra?
- Tôi thấy thất thoát trong ngành điện còn lớn. Đó là thất thoát trong cơ sở hạ tầng, tức là trong quá trình truyền tải điện. Những chỗ nào gây tổn hao thì chúng ta phải có kế hoạch đầu tư lại. Cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát. Phải có người chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Rồi vấn đề chi phí ngành điện. Bên cạnh đó, chi phí ngành điện theo báo cáo của Chính phủ tôi thấy một bất hợp lý là bây giờ các công ty con của ngành điện lãi, còn công ty mẹ thì lỗ. Đây là cái cần phải làm rõ. Chi phí quản lý, vận hành của ngành điện đã hợp lý chưa? Tại sao lỗ nhiều nhưng lương, thưởng của cán bộ, công chức ngành điện vẫn được mức cao.
Tôi đề nghị làm rõ thực trạng quản lý sản xuất kinh doanh của ngành điện trong giai đoạn vừa qua, chỉ rõ nguyên nhân vì sao lỗ lớn? vì sao có nhiều nhiều vấn đề bất hợp lý?. Nếu vướng cơ chế chính sách, vướng về thể chế thì đề xuất sửa để xây dựng thể chế hoàn thiện. Còn nếu sai phạm trong quản lý điều hành thì cần khắc phục ngay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quy-hoach-lai-nganh-dien-5720334.html