Quy hoạch logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tạo sự đột phá hệ thống đường cao tốc
Quy hoạch logistics sẽ là bước ngoặc để kinh tế - xã hội để kích hoạt, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Theo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có tàu 10.000 tấn đến với TP. Cần Thơ và một số cảng hiện nay, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của Đồng bằng sông Cửu Long, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.
Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, sẽ tập trung nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay: Một là sân bay Phú Quốc, cần thiết nghiên cứu thêm đường băng; sân bay Cà Mau và Rạch Giá cũng đang trong kế hoạch nâng cấp để đảm bảo tàu bay A320 có thể đỗ được ở đây.
Về đường bộ, tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc. Đến thời điểm này, có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội để phát triển hệ thống cao tốc này.
Theo Bộ GTVT, hiện nay cả vùng đồng bằng mới có 90 km đường cao tốc đã triển khai và đang xây dựng thêm 30 km. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông vận tải bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau. Tuyến cao tốc quan trọng nữa là An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá. Nếu chúng ta đạt kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này có thể đạt 400 km đường cao tốc, cộng với khoảng 130 km hiện nay đang triển khai thì chúng ta sẽ có 500 km đường cao tốc.
Ngoài ra, tập trung phát triển vận tải biển, vận tải đường thủy. Trong đó, tổ chức vận tải ven bờ để tổ chức các cảng biển từ Bắc vào Nam, đột phá vận tải biển ở sông Tiền, sông Hậu và hai trục đường thủy kết nối TP. Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ và báo cáo Quốc hội chủ trương xây dựng đường sắt kết nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ.
Tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, diễn ra ngày 21/6, ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quy hoạch tổng thể cũng quan trọng như la bàn của con tàu. Nếu một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình dưới danh nghĩa tự lực cánh sinh, chuyển ruộng lúa thành công nghiệp thì thu nhập của tỉnh có thể tăng lên trong thời gian ngắn, nhưng đây không phải là giải pháp bền vững. Bởi vì cách thức theo đuổi lợi nhuận phần nào liều lĩnh và hơi "ích kỷ này" mà không có sự quản lý chung và hướng tới mục tiêu chung sẽ khiến sự tự cường của Việt Nam gặp trở ngại.
“Tôi hy vọng cơ sở hạ tầng đường bộ kết nối với TP. Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện thông qua Quy hoạch tổng thể vùng. Ngoài ra, tôi kỳ vọng sự phát triển của Cảng Trần Đề tại tỉnh Sóc Trăng sẽ thay đổi cục diện kinh doanh của Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Hirai Shinji bày tỏ.
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nêu ý kiến trong quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long có dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao mà theo Tập đoàn Lộc Trời, nếu làm tốt theo quy hoạch, xây dựng và vận hành dự án theo tư duy kinh tế ngành thì chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá có tính bước ngoặt cho nền kinh tế lúa gạo. Từ đó góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, đời sống người nông dân trồng lúa ngày càng được nâng cao, nông thôn ngày càng văn minh và ngày càng đáng sống hơn.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty De Heus, Phó Chủ tịch Eurocham cho biết cho rằng, việc triển khai Quy hoạch cần sự phối hợp giữa Chính phủ, bộ, ngành, các tỉnh miền Tây, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp. “Từ 90 km cao tốc hiện hữu, thời gian tới sẽ có nhiều tuyến đường, cảng biển mới, thì chắc chắc doanh nghiệp sẽ quyết tâm đến đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào ĐBSCL”, ông Gabor Fluit bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
"Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Về phát triển hạ tầng, trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới. Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hà Duyên