Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học: Cơ hội nào cho trường ngoài công lập?

Để đạt mục tiêu các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc vào năm 2030,

Sinh viên Trường Đại học Văn Lang trong giờ thực hành xét nghiệm y khoa. Ảnh: VLU

Sinh viên Trường Đại học Văn Lang trong giờ thực hành xét nghiệm y khoa. Ảnh: VLU

Để đạt mục tiêu các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc vào năm 2030, các trường đại học ngoài công lập phải thực hiện đồng bộ nhiều chiến lược quan trọng. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế, chính sách để các trường có “dư địa” phát triển.

Nhiều “rào cản”

Phó hiệu trưởng một trường đại học ngoài công lập ở phía Nam cho biết, khả năng các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận đạt mục tiêu 30% quy mô như Chính phủ đặt ra khá khó, bởi nhiều cơ chế, chính sách hiện nay là “rào cản” gây khó khăn cho sự phát triển.

Dẫn chứng cho nhận định trên, vị này cho hay, lĩnh vực giáo dục đại học dù mới được bổ sung trở lại vào danh mục ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư 2020, nhưng Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 không đưa giáo dục đại học vào danh mục ưu đãi.

Thời gian qua, các trường tư thục được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận những ưu đãi này, các trường phải đáp ứng nhiều tiêu chí và tiêu chuẩn khắt khe, kèm theo không ít ràng buộc. “Việc Nhà nước có thể làm hiện nay là cải thiện chính sách ưu đãi đất đai và thuế cho các trường ngoài công lập”, vị này kiến nghị.

Còn theo ThS, luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (TPHCM), các quy định tại Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nói chung là phù hợp. Sự phân tầng của quyết định này cũng có ý định giảm bớt đầu mối trường đại học, đặc biệt trường hoạt động không hiệu quả, trường thuộc UBND tỉnh mà không đủ lượng sinh viên theo học, đây là định hướng tốt và đúng đắn.

Cùng với Quyết định 452/QĐ-TTg, Nghị định 125/2024/NĐ-CP (quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục), Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (chuẩn cơ sở giáo dục đại học) được ban hành trước đó mang lại những tín hiệu tích cực cho giáo dục đại học.

“Chúng ta không thể dễ dãi quá. Nếu không có quy định khung nào để đảm bảo sự đầu tư bài bản, chu đáo, có lộ trình phát triển hoặc buông xuôi, thả trôi những chỉ số, tiêu chuẩn thì chất lượng giáo dục đại học càng ngày càng đi xuống”, ông Chung nhận định và bày tỏ:

Khó khăn khi thực hiện quy hoạch là khó chung, không phân biệt trường công hay tư. “Nếu trong quá trình thực hiện, 1 - 2 năm chưa thể hoàn thành thì có thể đề nghị sửa những khoản nhỏ hơn, ví dụ vấn đề giảng viên như trình độ tiến sĩ trong Thông tư 01, hoặc cơ sở vật chất… Không nên kêu khó hay không thể làm được bởi đây gần như là mốc chuẩn để khẳng định chất lượng giáo dục đại học”, ông Chung nói.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Đồng bộ nhiều chiến lược quan trọng

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, để phát triển bền vững, các trường đại học ngoài công lập cần triển khai đồng bộ nhiều chiến lược quan trọng.

Trước hết, nâng cao chất lượng đào tạo là yếu tố then chốt, đảm bảo chương trình giảng dạy đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, từ đó thu hút sinh viên nhờ chất lượng giáo dục vượt trội. Bên cạnh đó, các trường cần đa dạng ngành học, tập trung phát triển chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong lĩnh vực mới và công nghệ cao.

“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ đóng vai trò quan trọng, giúp cải thiện môi trường học tập và nghiên cứu thông qua trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, các trường cần tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ đối tác với trường đại học và tổ chức trên thế giới nhằm trao đổi học thuật, nghiên cứu, nâng cao uy tín và hội nhập giáo dục”, ông Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ thiết yếu, không chỉ thông qua việc tuyển dụng và đào tạo giảng viên có trình độ cao, mà còn bằng cách khuyến khích nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong giảng dạy. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và uy tín đóng vai trò quan trọng, thể hiện qua hoạt động cộng đồng, nghiên cứu ứng dụng và thành tích của sinh viên, góp phần nâng cao vị thế nhà trường.

Cuối cùng, để vận hành hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần áp dụng mô hình quản lý linh hoạt, minh bạch, từ đó nhanh chóng thích ứng với thay đổi trong môi trường giáo dục và kinh tế đầy biến động.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết thêm, để đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các trường ngoài công lập cần có cơ chế hỗ trợ toàn diện. Trước tiên, Nhà nước nên triển khai gói tín dụng ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ giảng dạy, đồng thời tăng cường quỹ nghiên cứu khoa học. Khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với trường đại học trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng E-learning, công nhận các khóa học trực tuyến, hỗ trợ giảng viên tham gia đào tạo nâng cao và nghiên cứu tại các trường đại học lớn trên thế giới sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục hợp tác quốc tế, mở rộng trao đổi sinh viên, giảng viên và tài trợ nghiên cứu sẽ giúp nâng cao chất lượng khoa học và ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học.

Từ thực tế đơn vị, ThS, luật sư Trịnh Hữu Chung lại cho rằng, điều khiến các trường ngoài công lập lo ngại nhất hiện nay không phải là đất đai, bởi có nhiều giải pháp để khắc phục, như sử dụng chung cơ sở vật chất, phòng thực hành.

Ông dẫn chứng, việc đầu tư phòng thí nghiệm (Lab) rất tốn kém, đặc biệt với những ngành như bán dẫn, phòng vi mạch có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Do đó, các trường có thể hợp tác đầu tư và dùng chung, coi đây là cơ sở thực hành chung.

Tuy nhiên, theo ông Chung, thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề con người, đặc biệt việc đảm bảo đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt chuẩn. Khi xã hội xuất hiện nhiều ngành nghề mới, cần có giảng viên chuyên sâu trong từng lĩnh vực hẹp để đào tạo bài bản. “Việc để giảng viên ngành này dạy ngành kia, hay mượn giảng viên từ nơi khác chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài sẽ không đảm bảo chất lượng đào tạo”, ông nhấn mạnh.

Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho các trường đầu tư thư viện số, phòng thí nghiệm thông minh và ứng dụng AI trong giáo dục. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích mô hình đại học thông minh sẽ thúc đẩy việc số hóa quản lý, giảng dạy và kiểm định chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường đại học tư thục. - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-hoach-mang-luoi-co-so-gd-dai-hoc-co-hoi-nao-cho-truong-ngoai-cong-lap-post725009.html