Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học và sư phạm: Đòi hỏi sự quyết tâm
Quyết định 'Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050' được các chuyên gia đánh giá là bài toán không dễ.
Để thực hiện đòi hỏi sự quyết tâm của toàn ngành Giáo dục, cùng với cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.
Cần bắt kịp với xu thế phát triển
Đại biểu Lê Tuấn Tứ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) cho rằng: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm là bài toán khó nhưng không phải không làm được. Theo đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; đồng thời nghiêm túc nghiên cứu bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước. “Theo tôi, cần quan tâm, đầu tư nguồn lực cho các đại học vùng. Nên sắp xếp lại các trường nhỏ lẻ, hoạt động yếu kém. Có đề án di chuyển các trường đại học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các trung tâm thành phố lớn ra ngoại ô hoặc các vùng vệ tinh lân cận” – đại biểu Lê Tuấn Tứ đề xuất.
Với hệ thống các trường sư phạm, đại biểu đoàn Khánh Hòa nêu ý kiến: Cần tập trung nguồn lực cho hệ thống “máy cái” này. Muốn vậy, phải tính đến bài toán quy hoạch, “thay áo” cho các trường. Nên tập trung đầu tư, quy hoạch phát triển trường sư phạm theo vùng. Chẳng hạn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Bắc, Tây Bắc, khu vực Huế - Đà Nẵng, Đồng bằng sông Cửu Long... “Nếu giải quyết được bài toán quy hoạch sẽ là cơ sở để chúng ta triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học nói chung và sư phạm nói riêng; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học của nước nhà” – đại biểu Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Quan trọng nhất là cơ sở thực tiễn, xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó đưa ra dự báo cẩn trọng, chắc chắn. Bên cạnh đó, cần tổ chức cuộc họp thảo luận với lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm về vấn đề này để có sự thống nhất về chủ trương, quan điểm, nhận thức. “Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẵn sàng tham gia, đóng góp cho quá trình lập quy hoạch” - GS Minh khẳng định.
Đề cập đến việc lập quy hoạch và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: “Đầu bài” cần thể hiện những tư tưởng chính như: Bám sát cung cầu, gắn liền với các vùng kinh tế; chuyển hệ thống giáo dục đại học sang giai đoạn đổi mới sáng tạo. Quy hoạch mạng lưới nên chọn lọc một số điểm nhấn, tạo sự khác biệt với giai đoạn trước, bắt kịp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới.
Coi trọng yếu tố kế thừa và phát triển
Bày tỏ tâm đắc với nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cam kết sẽ tham gia đóng góp trong quá trình xây dựng quy hoạch. Ông lưu ý, trong quy hoạch cần có yếu tố kế thừa và phát triển, bắt đầu từ phân tích hiện trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực của cả nước và từng địa phương, vùng kinh tế; từ đó xác định yêu cầu về cơ sở vật chất, quỹ đất và đội ngũ giảng viên.
GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Cần xây dựng cơ cấu tổ chức hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên theo nguyên tắc, xác định đơn vị cấu trúc và tạo được mối quan hệ tương trợ giữa các đơn vị.
GS Đinh Quang Báo khẳng định, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ GV, cán bộ quản lý cho ngành Giáo dục là lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ, logic hệ thống. Điều này được khẳng định trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục. Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn, hội thảo các ý kiến chuyên gia cũng khẳng định sự cần thiết xác lập và phát triển logic đó.
Mới đây, phát biểu tại cuộc họp triển khai Quyết định “Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Quyết định này. Trước đó, Bộ có những chuẩn bị bài bản cho công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Trong đó, đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học cho quy trình quy hoạch. Cùng với mạng lưới chuyên gia am hiểu; đây là những thuận lợi ban đầu cho công tác lập quy hoạch.
Tuy nhiên, khi triển khai lập quy hoạch, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa các luận cứ khoa học, bài học kinh nghiệm quốc tế với hiện trạng hệ thống và những điều kiện cụ thể, đặc thù của Việt Nam và giáo dục đại học Việt Nam. Đặc biệt, phải bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị phải thảo luận kỹ về nội dung “đầu bài”, bảo đảm mạch lạc, ngắn gọn, đúng trọng tâm. Bộ trưởng lưu ý, quy hoạch phải tính đến liên ngành và xu hướng phát triển giáo dục đại học có tính hội nhập trên nền tảng công nghệ cao; gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Theo đó, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu có xu hướng tạo nên một hệ sinh thái, quần thể tập trung, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm tăng trưởng kinh tế lớn, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
Theo ông Đặng Huy Đông, cần xác định rõ quan điểm, định hướng phát triển giáo dục, đào tạo. Nếu xác định chuyển đào tạo sang định hướng đổi mới, sáng tạo, gắn với thực tiễn, những điều này cần trở thành cốt lõi trong tư tưởng, lập luận của người viết quy hoạch, dưới sự quản lý của các cơ quan quản lý – đơn vị sử dụng sản phẩm cuối cùng.