Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm gắn với định hướng phát triển đất nước
Sáng 3/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo tham vấn chuyên gia về định hướng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu một số nội dung cần thảo luận như: Định hướng phát triển hệ thống; phân loại cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học; liên kết mạng lưới và chỉ tiêu.
Theo Thứ trưởng, định hướng phát triển hệ thống cần làm rõ trên các phương diện như: Quy mô, cơ cấu, người học. Về phân loại, có thể thành lập các trường đại học hoặc đại học trọng điểm không? Hay mỗi lĩnh vực có nên thành lập trường trọng điểm?
Đối với chuẩn cơ sở giáo dục đại học có thể xây dựng thành nhiều mức, tạo sự minh bạch trong hệ thống, để các cơ sở có sự cạnh tranh lành mạnh. Về vấn đề liên kết mạng lưới, có thể tính đến phương án: Trong vùng, theo định hướng, lĩnh vực hoặc nội bộ. Ngoài ra có thể hợp tác, liên minh…
Với chỉ tiêu có thể áp dụng theo phương thức quy mô sinh viên/vạn dân và dự tính theo toàn quốc, hoặc theo vùng, miền, lĩnh vực…. Bên cạnh đó, có thể xây dựng quy hoạch vùng có trung tâm và trong trung tâm có cụm, bảo đảm tính toàn diện, tạo ra cơ chế bình đẳng giữa các trường.
Thảo luận tại hội thảo, PGS.TS Thái Bá Cần – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Nguyễn Hoàng Group nêu ý kiến: Phát triển hệ thống giáo dục đại học và sư phạm cần gắn với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, chúng ta phải làm một cách khoa học, bài bản chứ không đơn thuần theo mong muốn. Đồng thời cần xác định làm quy hoạch để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và đất nước và có thể phát triển thành những trung tâm đại học trong các vùng.
Nêu lên một số vấn đề chính khi lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, ông Nguyễn Bá Cần – chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT chia sẻ: Đầu tiên phải hiểu rõ về quy hoạch. Vấn đề là, quy hoạch trong lĩnh vực, ngành không giống với quy hoạch chung, nên phải làm rõ yếu tố đặc thù của ngành, nhất là với ngành sư phạm, do đó, cần phải cân nhắc.
Thực tế, công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm không hề đơn giản, nhưng tới đây còn khó khăn hơn nhiều vì chúng ta không chỉ thực hiện công tác này trong thời kỳ 2021-2030, mà còn có tầm nhìn đến năm 2050. Tức là chúng ta phải có tầm nhìn 30 năm.
Vì thế quy hoạch phải đáp ứng các yêu cầu chính: Chính trị, kinh tế, khoa học và xã hội. Khi làm quy hoạch cần lưu tâm đến xu thế thời đại, đặt hệ thống giáo dục đại học và sư phạm trong bối cảnh kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, cần tính đến yếu tố nguồn lực là tài chính, con người và vật chất.