Quy hoạch mạng lưới không phải là sự sáp nhập, giải thể một cách cơ học
Chuyện sáp nhập giải thể thường đụng đến rất nhiều người và hậu quả kéo theo nhiều việc đến vài năm chưa yên.
Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ bằng một thiết kế duy ý chí của người quản lý, không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập; rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209), giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện.
Về những vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới các trường đại học, sư phạm hiện nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao triển khai quy hoạch mạng lưới các trường đại học, sư phạm trên cả nước, ông có góp ý gì cho đề án khi quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học công lập là cần thiết xuất phát từ 5 bối cảnh.
Một là, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng đề ra những yêu cầu mới cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng tạo ra nhiều công nghệ mới làm thay đổi phương thức đào tạo và mô hình nhà trường. Giáo dục mở đang mở ra nhiều khả năng to lớn để phát triển.
Hai là, sự hội nhập sâu rộng tạo sự giao thoa với thế giới trong giáo dục và khoa học.
Ba là, đất nước đang trong tình hình buộc phải phát triển sức mạnh, trước hết là sức mạnh trí tuệ như một lẽ sống còn.
Bốn là, ngân sách nhà nước đang quá tải nếu tiếp tục bao cấp cho hệ thống sự nghiệp to lớn trong đó có giáo dục.
Năm là, nền đại học Việt Nam có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo; có một số trường thực sự yếu kém về năng lực và chất lượng đào tạo. Rất thiếu những trường đại học kiểu mới đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nói chung hệ thống giáo dục của ta hiện nay mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thỏa mãn được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là công bằng, chất lượng, hiệu quả và nhất thể hóa.
Đương nhiên theo tinh thần của Luật Quy hoạch, việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học công lập là điều không thể tránh nhưng đó không phải là sự sáp nhập, giải thể một cách cơ học để giảm số lượng trường công lập. Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ bằng một thiết kế duy ý chí của người quản lý, không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập; rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không.
Chuyện sáp nhập giải thể thường đụng đến rất nhiều người và hậu quả kéo theo nhiều việc đến vài năm chưa yên. Do đó cần có sự tính toán thận trọng, có bước đi phù hợp, có giải pháp thích hợp.
Với những tiêu chí như vậy thì khi quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học công lập cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, trước tiên cần thực hiện tự chủ đầy đủ. Các trường sẽ tự khẳng định mình bằng phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính, về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển.
Hai là, khuyến khích các trường phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp, bảo đảm quy mô kinh tế về số lượng người học để thích hợp với nền kinh tế thị trường và thị trường dịch vụ giáo dục. Các trường đơn ngành có quy mô nhỏ là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, nay rất khó có điều kiện phát triển tốt trong điều kiện mới và trên thực tế các trường đang tự động từng bước đa ngành hóa, đa lĩnh vực hóa, đa cấp hóa. Đó là một xu thế nên chấp nhận
Ba là, thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính. Lấy đó cùng với kết quả điều tra hàng năm tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp làm cơ sở cho sự đánh giá của cơ quan quản lý và sự tín nhiệm của xã hội. Điều này tối quan trọng khi ta "mở" nhiều mặt, xóa nhiều ràng buộc trong quản lý.
Bốn là, chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự định hướng của nhà nước thông qua khen thưởng, đầu tư và chế tài. Chế tài của nhà nước có thể từ thấp đến cao tới mức quyết định đóng cửa trường.
Năm là, thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) các cơ sở giáo dục đại học, phân cấp quản lý triệt để cho các địa phương. Khuyến khích các trường đăng ký về sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của trường tương xứng với năng lực của trường mình và có thể thay đổi trong quá trình phát triển.
Về phía nhà nước cũng nên chấp nhận sự khác biệt tương đối rộng về năng lực giữa các trường, có nghĩa là chấp nhận một phổ tương đối rộng về năng lực từ các trường đầu đàn đến các trường yếu. Điều này cũng là một thực tế của quá trình phát triển .
Sáu là, việc xuất hiện các trường đầu đàn trước hết phải do sự vận động tự thân vươn lên mà nổi trội bằng sự tự khẳng định mình thông qua thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Nhà nước có thể tập trung đầu tư cho những trường này cũng như đầu tư vào một số ngành, một số lĩnh vực quan trọng ở những trường có sở trường tương ứng để tạo thành các trọng điểm quốc gia.
Bảy là, việc sắp xếp điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Bộ Giáo dục Đào tạo nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát. Không nên coi sắp xếp lần này như là một đợt cấp tập, làm thật nhanh rồi kết thúc mà nên coi đó là sự sắp xếp thường xuyên, giai đoạn đầu có thể làm nhiều việc hơn, về sau vẫn còn có sự điều chỉnh tiếp tục theo hướng tự lựa chọn tốt nhất.
Tám là, nên suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục đại học, từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học công lập phải được soạn thảo xuất phát từ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Chiến lược phát triển giáo dục của đất nước trong những năm tới.
Mục đích sau cùng của các trường đại học là đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường đặc biệt đối với khối ngành sư phạm, vậy trong quá trình quy hoạch hệ thống cơ sở sư phạm thì cần đi theo nguyên tắc ra sao, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trước mắt (cho tới năm 2025) cần cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay.
Thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) hệ thống này thành các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và nâng cấp trình độ đào tạo của các cơ sở sư phạm địa phương cho phù hợp với các yêu cầu của Luật Giáo dục 2019. Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm thành lập trường thực hành liên cấp chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm.
Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ. Xây dựng cơ chế “đặt hàng đào tạo giáo viên” từ các địa phương. Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các chuẩn của cơ sở sư phạm (trọng điểm, trung ương, địa phương), chuẩn chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) và các chuẩn khác để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.
Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên (theo Luật Giáo dục 2019) phải có tiến độ phù hợp và gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo (lên trình độ đại học) của các cơ sở sư phạm.
Còn về lâu dài (từ sau năm 2025) thì các cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương hoặc phát triển thành các trường đại học địa phương đa ngành để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Giải thể các cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng dựa trên kết quả kiểm định chất lượng đào tạo và điều tra việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Đặc biệt, cần phải phân cấp quản lý và trách nhiệm đào tạo rõ ràng. Cụ thể:
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo/bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho các trường đại học sư phạm /đại học giáo dục trọng điểm/trung ương. Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học, tập trung đào tạo sau đại học (đặc biệt đối với các trường trọng điểm), nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.
Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho các trường/khoa sư phạm địa phương. Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong địa phương theo chỉ tiêu do chính quyền địa phương giao.
Các cơ sở sư phạm không tranh giành nguồn tuyển hoặc đào tạo chồng chéo. Các trường sư phạm trọng điểm/trung ương chủ yếu tập trung đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trong phạm vi toàn quốc.
Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn của mình theo đặt hàng của Ủy ban nhân dân địa phương.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.
Quan điểm định hướng cho quy hoạch hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói riêng:
“… Ngành Giáo dục và Đào tạo đang cần giải một bài toán rất khó là phải thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn hẹp. Bài toán này cũng khó như bài toán chung hiện nay của đất nước là phải tạo ra một sự tăng trưởng nhanh chóng từ một điểm xuất phát rất thấp, hoặc bài toán của thời kỳ kháng chiến trước đây là một nước nghèo mà phải đánh thắng kẻ thù giàu mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Kinh nghiệm cho thấy muốn giải được bài toán khó đó phải rất sáng tạo, phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống. Trong trường hợp của giáo dục đào tạo, phải dựa vào sự hợp đồng tác chiến của các “binh chủng” giáo dục khác nhau, các loại hình đào tạo khác nhau, các loại trường khác nhau. Phải phối hợp hài hòa các đơn vị khác nhau trong một nhà trường, các trường khác nhau trên một địa bàn, các mô hình trường khác nhau trong cả hệ thống giáo dục. Để làm được điều đó phải có quan điểm toàn cục, chống các xu hướng bản vị, cục bộ...”
(Trích: Bài phát biểu của Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu tại buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/2/1998)