Quy hoạch phải gắn với thực tiễn

Khẳng định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và các chiến lược, Nghị quyết của Trung ương, thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, các đại biểu Quốc hội lưu ý, danh mục những dự án quan trọng quốc gia cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, thực hiện quy hoạch theo lộ trình, giải pháp nguồn lực có trọng điểm, có tính chiến lược phù hợp để quy hoạch không xa rời thực tiễn.

Bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030

Theo các đại biểu Quốc hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với vai trò đặc biệt quan trọng đã được chuẩn bị công phu, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến.

Đánh giá chung về lập quy hoạch, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu rõ, Quy hoạch đã cụ thể hóa được các định hướng chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; tổng hợp, tích hợp các hợp phần quy hoạch vào quy hoạch tổng thể quốc gia theo Nghị quyết 143 của Chính phủ. Nội dung quy hoạch thể hiện cơ bản đáp ứng với quy định tại Điều 22 Luật Quy hoạch, Điều 20 Nghị định số 37 của Chính phủ, Nghị quyết số 143 của Chính phủ và Kết luận số 45 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” như: phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên cũng như hiện trạng phát triển và phân bổ không gian phát triển kinh tế - xã hội; các ngành, lĩnh vực tương đối chi tiết, làm cơ sở cho việc đề xuất các định hướng trong quy hoạch. Đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch cũng đã bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và các chiến lược, nghị quyết của các cơ quan ở Trung ương có thẩm quyền. Cụ thể, đề xuất được 12 định hướng phát triển và phân bố không gian đối với các ngành, lĩnh vực theo vùng lãnh thổ và giải pháp về nguồn vốn thực hiện quy hoạch từ nay đến năm 2030.

Cho rằng đây là nội dung lớn, có ý nghĩa hết sức cần thiết để làm cơ sở triển khai lập nhiều quy hoạch quan trọng khác, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu rõ, để một số nội dung quy hoạch gắn liền với thực tiễn, cần nghiên cứu, lập quy hoạch bổ sung các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, các nghị quyết về phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung quy hoạch này phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhưng cũng cần bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước và đặc biệt là không xa rời thực tiễn.

Nghiên cứu, tính toán kỹ danh mục các dự án quan trọng quốc gia

Liên quan đến danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) chỉ rõ, hầu hết các dự án đều chưa cụ thể, chưa luận giải được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa tác động tới các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, liên vùng và quốc gia trong quy hoạch. Việc phân kỳ đầu tư đối với một số dự án chưa hợp lý, giai đoạn thực hiện đầu tư của một số dự án quá dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ sở, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án, từ đó rà soát, nghiên cứu, tính toán kỹ danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, bảo đảm các dự án này phải đáp ứng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật; các dự án đưa vào quy hoạch phải là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, tác động lớn đến ngành, vùng, liên vùng. Đồng thời, cần có dự kiến về quy mô, tổng mức đầu tư và khả năng cân đối, bố trí nguồn lực cho các dự án, xem xét, tính toán lại việc phân kỳ đầu tư thực hiện các dự án để tăng hiệu quả vốn đầu tư.

Cùng quan điểm, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị dự thảo Nghị quyết ưu tiên thể hiện các nguyên tắc trong xác định tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia hơn là quy định danh mục cụ thể dự án khi chưa tiên lượng được hết về nguồn lực, các yếu tố tác động trong dài hạn, định hướng đến năm 2050.

Liên quan đến quan điểm và không gian phát triển thời kỳ 2021 - 2030, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng tình với quan điểm phát triển bao trùm nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo đại biểu, thực hiện lộ trình, giải pháp nguồn lực cần phải có trọng điểm, có tính chiến lược phù hợp, nếu không thì không ít vùng khó khăn sẽ chậm hoặc rất khó tiếp cận với tiến trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đề nghị làm rõ nội hàm thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách để khi thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực vẫn bảo đảm phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền, hài hòa với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu quả mục tiêu an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với địa bàn thuận lợi.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/quy-hoach-phai-gan-voi-thuc-tien-i313686/