Quy hoạch phát triển đô thị bền vững trước rủi ro thiên tai

Phát triển đô thị tại Sơn La những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường bất động sản, góp phần tạo diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa nhanh cũng gây ra nhiều hạn chế, nhất là rủi ro về tình trạng ngập úng đô thị vào mùa mưa lũ.

Chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp tư vấn về phát triển đô thị bền vững.

Chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp tư vấn về phát triển đô thị bền vững.

Thách thức khi đô thị hóa

Cuối tháng 7 vừa qua, trước sự ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, thành phố Sơn La bị ngập úng diện rộng. Mặc dù việc ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố. Nhiều điểm mỗi khi trời mưa to lại xảy ra ngập úng, như: Ngã tư xe khách, ngã tư Quyết Thắng, đường Hoàng Quốc Việt (phường Chiềng Cơi), đoạn đường qua Trung tâm thương mại Đ&T (tổ 9, phường Quyết Tâm),... Đợt lũ vừa qua, có nơi ngập sâu 0,5-1,2m, làm ách tắc giao thông, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Chị Ma Thị Nga, chủ hộ kinh doanh tại tổ 9, phường Quyết Tâm, nói: Năm 2022, khu vực này từng bị ngập nặng, gia đình tôi ở ngay vị trí trũng bị ảnh hưởng lớn, hư hỏng nhiều tài sản, thiệt hại gần 70 triệu đồng. Sau đó, tình trạng ngập cũng được cải thiện hơn khi Thành phố cho khắc phục lại hệ thống thoát nước. Trận lũ tháng 7 vừa qua cũng gây ngập úng nặng, các gia đình đã có sự phòng ngừa, nên hạn chế được thiệt hại.

Nguyên nhân gây ngập lụt đô thị trong thời gian qua là do tốc độ đô thị nhanh, gây ra nhiều vấn đề về thoát nước đô thị. Sự gia tăng nhanh về các khu dân cư, khu chức năng, mật độ dân cư đông, tình trạng san lấp ao, hồ, lấn chiếm lòng suối để xây dựng công trình trái phép, hay việc cải tạo, nâng cấp các trục đường thiếu đồng bộ, làm chênh lệch cốt nền đường... ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thoát nước đô thị. Sau đợt lũ vừa qua có thể thấy rõ được những điểm yếu, các vị trí thoát nước kém, sự quá tải của hệ thống thoát nước mỗi khi mưa lớn tại khu đô thị, nhất là ở những nơi có mật độ xây dựng cao. Qua đó, cần đánh giá lại công tác quản lý trật tự xây dựng và rút kinh nghiệm cho công tác quy hoạch xây dựng các khu đô thị sau này.

Hội thảo quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại Sơn La.

Hội thảo quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại Sơn La.

Giảm thiểu tình trạng ngập lụt

Rủi ro ngập úng đô thị luôn được tính đến trong quy hoạch phát triển đô thị, tại Sơn La, Sở Xây dựng đang triển khai giải pháp quản lý quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ, giảm thiểu tình trạng ngập lụt đô thị.

Ông Hà Ngọc Chung, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Sở đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng trong đô thị. Trong đó, tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thoát nước, phòng chống lũ, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm, cơi nới làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, nhất là khu vực đông dân cư, dọc quốc lộ, đôn đốc công tác bảo trì hệ thống tiêu, thoát nước, nhất là các điểm nghẽn để phòng ngừa tình trạng ngập úng.

Hiện nay, hệ thống thoát nước mưa đô thị trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được đầu tư phủ kín, với hơn 280 km cống, rãnh thoát nước đường gom, đường nhánh. Khai thác hiệu quả 16 hồ điều hòa trong đô thị, góp phần đảm bảo điều tiết, thoát nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, cùng với hệ thống các kênh, mương, cống dọc theo các trục quốc lộ. Đối với hệ thống thoát nước thải, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 2 hệ thống xử lý nước thải, tổng công suất 11.000 m³/ngày đêm. Trong đó, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Sơn La đã hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 từ quý II/2020, với công nghệ xử lý hồ sinh học, công suất bình quân 6.800 m³/ngày đêm; mạng lưới thu gom với tổng chiều dài trên 84,5 km và 8 trạm bơm, đã đấu nối 7.893/8.369 hộ gia đình. Dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị huyện Mộc Châu đưa vào sử dụng năm 2020, công suất 4.500 m³/ngày đêm.

Đoàn công tác của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) khảo sát tại Nhà máy xử lý nước thải thành phố Sơn La.

Đoàn công tác của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) khảo sát tại Nhà máy xử lý nước thải thành phố Sơn La.

Trên cơ sở quy hoạch tỉnh Sơn La đến năm 2030, Sở Xây dựng đang tiếp tục tham mưu các giải pháp dài hạn phòng, chống ngập lụt khu dân cư, đô thị. Trong đó, ưu tiên các dự án trọng điểm, như: Cải tạo, nâng cấp kênh thoát nước tuyến Chiềng Sinh - Nậm La; xây dựng mới tuyến kênh thoát nước Chiềng Ngần - Nậm La; dự án thoát lũ cuối hạ lưu; dự án thoát lũ suối Muội, Thuận Châu… cùng các dự án sắp xếp, ổn định dân cư, các dự án nâng cấp, cải tạo đường nhánh, mở rộng kênh mương, tăng tính kết nối suối tự nhiên, nhằm hỗ trợ khi xảy ra ngập úng cục bộ.

Đối với các địa phương, từ thực trạng ngập úng khi có mưa lớn xảy ra, việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng càng được chú trọng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng khả năng thoát nước đô thị.

Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin: Ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên diện rộng, UBND Thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát và huy động lực lượng tháo dỡ các công trình xây dựng cơi nới trên hệ thống kênh mương thoát lũ, bảo đảm dòng chảy khi có mưa lũ xảy ra. Đồng thời, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước tự nhiên. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với tỉnh các phương án lâu dài đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ và rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố.

Khu đô thị An Phú, thành phố Sơn La được quy hoạch, xây dựng hiện đại.

Khu đô thị An Phú, thành phố Sơn La được quy hoạch, xây dựng hiện đại.

Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững

Toàn tỉnh hiện có 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V. Đến nay, Sở Xây dựng đã phối hợp hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh 8/8 đô thị thuộc giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt khoảng 32,2%, riêng thành phố Sơn La đạt 40%. Đây là cơ sở ban đầu để triển khai công tác quản lý trật tự xây dựng theo đúng hướng, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Cùng với đó, các hoạt động khảo sát, đánh giá thực địa, nghiên cứu giải pháp để phát triển đô thị bền vững cũng được tỉnh quan tâm triển khai. Trong đó, chú trọng ý kiến đánh giá, góp ý từ các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Nghị, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, thông tin: Tình trạng mưa lũ, thiên tai tại Sơn La có nguy cơ gia tăng do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa nhanh. Riêng với thành phố Sơn La, suối Nậm La có dòng chảy ngầm, việc đánh giá, nghiên cứu phương án thoát lũ phức tạp hơn, nên cần phải được tính toán kỹ để tìm được giải pháp phù hợp.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La”, sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), tổng mức đầu tư 970 tỷ đồng. Dự án triển khai trên địa bàn thành phố Sơn La và xã Mường Bú, huyện Mường La, với mục tiêu giải quyết tổng thể các vấn đề về phòng chống lũ lụt, thoát nước đô thị, thoát lũ suối Nậm La, cải thiện môi trường, xử lý nước thải... Dự án được triển khai đầu tư trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề về ngập úng đô thị, bảo vệ môi trường.

Ông Hà Ngọc Chung, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thêm: Sở cũng nghiên cứu các phương án về phát triển, mở rộng không gian đô thị để giảm áp lực cho các khu vực nội thị, từng bước di dời các cơ sở, nhà ở tại các điểm thường xuyên ngập úng đến nơi có địa thế ổn định, thoát nước tốt; các vùng trũng định hướng xây dựng, cải tạo thành công viên, hồ nước. Đồng thời, tăng khả năng điều tiết mưa lũ, dự trữ nước tưới tiêu. Tiếp tục nghiên cứu thay thế kết cấu vỉa hè, sân vườn công trình bằng các loại vật liệu có khả năng thấm nước như bê tông có độ rỗng cao, gạch thấm nước, thảm cỏ, cây xanh...

Từ những bài học thực tế trong thời gian qua, cùng với các định hướng, giải pháp có sự tham vấn của chuyên gia sẽ là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị tại Sơn La theo hướng bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ngập úng đô thị trong tương lai.

Bài, ảnh: Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/quy-hoach-phat-trien-do-thi-ben-vung-truoc-rui-ro-thien-tai-gE9vBeCIR.html