Quy hoạch phát triển ngành Dược chú trọng đẩy mạnh thị trường nội địa

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển dược phẩm nội địa là một trong những chiến lược Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam phát triển thời gian tới.

Thị trường công nghiệp dược nhiều tiềm năng

Trong những năm gần đây, thị trường dược ngày càng phát triển. Với nguồn dược liệu phong phú, thị trường dược nước ta có nhiều tiềm năng.

Theo PGS.TS. Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp về Dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ngành công nghệ dược phẩm nước ta đang có thuận lợi lớn. Hiện GDP của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chi tiêu cho sức khỏe của người Việt ngày càng cao, bởi thế, doanh nghiệp ngành dược có tiềm năng lớn để phát triển.

Báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho thấy, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD vào năm 2024. Dự báo, với tốc độ tăng trưởng 11%/năm, ngành dược phẩm dự báo sẽ đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2026. Quy mô thị trường tăng trưởng nhanh khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường này.

Từ năm 2011 đến nay, ngành dược đã đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Hiện, cả nước có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc, 238 nhà máy sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP và tương đương.

Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỉ USD. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 11/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hoạt động quản lý phân phối, cung ứng thuốc ngày càng được chuẩn hóa, chuyên nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Đẩy mạnh phát triển dược phẩm tại thị trường nội địa của Việt Nam là một trong mục tiêu trọng tâm

Đẩy mạnh phát triển dược phẩm tại thị trường nội địa của Việt Nam là một trong mục tiêu trọng tâm

Mặc dù thị trường dược nhiều tiềm năng, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp dược Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi những loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại lại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng. Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn nhập khẩu nhiều dù có thế mạnh về nguồn dược liệu lớn. Cùng với đó, nhân lực trong lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới còn thiếu…

Trong đại dịch COVID-19 cho thấy, việc đứt gãy nguồn cung làm cho vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân gặp nhiều khó khăn. Thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đòi hỏi phải cơ cấu lại nền công nghiệp dược, làm sao để sản xuất trong nước vững chắc và mạnh mẽ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Bài toán quy hoạch phát triển ngành dược trong những năm tới đang đặt ra bức thiết.

Đẩy mạnh phát triển dược nội địa

Theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 về Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra vấn đề đẩy mạnh phát triển dược nội địa.

Chiến lược nhấn mạnh, phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực Đông Nam Á, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; Tối ưu hóa việc sử dụng thuốc…

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 hướng đến sản xuất thuốc phát minh, có dạng bào chế mới, hiện đại; tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm… Đến năm 2030, dược phẩm sản xuất trong nước đảm bảo được 80% nhu cầu sử dụng, 70% giá trị thị trường. Ngành dược phấn đấu đến năm 2045 đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

Hiện xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ... Bởi vậy cần có những cách tiếp cận mới về thu hút đầu tư, nguồn lực, công nghệ để góp phần thực hiện mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

H.M

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quy-hoach-phat-trien-nganh-duoc-chu-trong-day-manh-thi-truong-noi-dia-169240822162847035.htm