Quy hoạch tạo tiền đề thành lập thị xã Lương Sơn trong tương lai
Đô thị Lương Sơn được quy hoạch là đô thị loại III, cửa ngõ phía Tây Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là đầu mối giao thông vận tải, logistics, thương mại dịch vụ, du lịch quan trọng của vùng Tây Bắc.

Lương Sơn giàu tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh minh họa.
Đồ án Quy hoạch chung đô thị Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045 vừa được thẩm định dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội huyện Lương Sơn theo hướng bền vững, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội, dịch vụ hiện đại, đồng bộ.
Từ đó, xây dựng và phát triển đô thị Lương Sơn trở thành đô thị du lịch, dịch vụ và công nghiệp trọng điểm của tỉnh; đồng thời, tạo tiền đề thành lập thị xã Lương Sơn trong tương lai.
Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) - đại diện đơn vị tư vấn, huyện Lương Sơn nằm trên 2 hành lang kinh tế quan trọng được xác định trong quy hoạch tỉnh Hòa Bình đó là hành lang kinh tế Đông - Tây tỉnh Hòa Bình và hành lang kinh tế phía Đông gắn với đường Hồ Chí Minh, Cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02).
Đồng thời, Lương Sơn cũng nằm trong vùng ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Hòa Bình (gồm Thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn), có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế xã hội, du lịch thương mại.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích hành chính huyện Lương Sơn khoảng 36.482,72 ha. Định hướng phát triển không gian đô thị, nông thôn trên địa bàn huyện Lương Sơn theo lộ trình thành lập thị xã Lương Sơn; tăng cường quản lý, thu hút đầu tư; xây dựng và phát triển đô thị dịch vụ, thương mại và phát triển nhà ở.
Cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu; làm cơ sở pháp lý để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch; hoạch định các chính sách phát triển, thu hút đầu tư, quản lý công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nông thôn.
Đô thị Lương Sơn được quy hoạch với tính chất là đô thị loại III, cửa ngõ phía Tây Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là đầu mối giao thông vận tải, logistics, thương mại dịch vụ, du lịch quan trọng của vùng Tây Bắc và là một trong những trung tâm kinh tế xã hội khu vực phía Đông tỉnh Hòa Bình.
Động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác trong tỉnh; là đô thị xanh, thông minh, đô thị sinh thái và phát triển bền vững...
Đồ án quy hoạch định hướng Lương Sơn phát triển theo mô hình đô thị đa cực liên kết (3 tâm, 5 tuyến, 4 vùng chức năng) gồm: cực trung tâm là thị trấn Lương Sơn và khu vực phụ cận cùng 2 cực ở phía Trung và Nam với các tính chất đặc trưng riêng; các cực phát triển đô thị được liên kết với nhau bằng trục chính đô thị và gắn kết với trục giao thông đối ngoại, liên vùng tỉnh Hòa Bình và vùng Thủ đô Hà Nội.
Không gian đô thị Lương Sơn được tổ chức trên cơ sở hình thành 3 trung tâm hạt nhân: Trung tâm đô thị phía Bắc, Trung và Nam. Cùng đó là 5 tuyến gồm: 3 hành lang phát triển hỗn hợp đa chức năng hướng theo cao tốc CT.02, Quốc lộ 21, Cao tốc CT.39; 2 hành lang dịch vụ thương mại và ở theo trục Quốc lộ 6, trục tránh Quốc lộ 6; 4 vùng chức năng chính gồm: đô thị trung tâm, du lịch, nông nghiệp và vùng công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng.

Nhiều hộ dân ở Lương Sơn đầu tư xây dựng xây dựng khu nghỉ dưỡng để phục vụ khách du lịch. Ảnh minh họa.
Các chuyên gia đánh giá, Đồ án đã bám sát các mục tiêu trong Nhiệm vụ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn và UBND huyện Lương Sơn cần chú trọng nhiều hơn đến giao thông kết nối vùng; lưu ý rà soát, cập nhật văn bản cơ sở pháp lý; quan tâm đánh giá hiện trạng sử dụng đất theo các văn bản pháp lý liên quan đến quy hoạch đô thị Lương Sơn đã được phê duyệt.
Đặc biệt, Lương Sơn cần làm rõ số liệu trong bản đồ các loại đất rừng trên địa bàn huyện đã được phê duyệt tại quy hoạch tỉnh Hòa Bình; bất cập trong giao thông, sử dụng đất, tổ chức không gian; cụ thể hơn mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch.
Đồng thời, cần bổ sung, làm rõ khung thiên nhiên sinh thái, hệ thống giao thông kết nối; bổ sung bản vẽ và quan tâm nhiều hơn đến định hướng hạ tầng kinh tế xã hội; quan tâm việc thoát lũ của các lưu vực sông, suối trên địa bàn; làm rõ nguồn lực và thứ tự dự án ưu tiên đầu tư...
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Đồ án Quy hoạch chung đô thị Lương Sơn,tỉnh Hòa Bình đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh Hòa Bình tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Trong đó, chú trọng rà soát các căn cứ pháp lý, đánh giá hiện trạng cũng như làm rõ cơ sở khoa học của dự báo về dân số, sử dụng đất trên địa bàn huyện.
Qua đó, nhận diện những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện các quy hoạch đã phê duyệt, để đề xuất những định hướng khắc phục kịp thời, đảm bảo khai thác, phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của đô thị Lương Sơn trong tương lai. Đặc biệt, cần chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện; hoàn thiện hồ sơ Đồ án để UBND tỉnh Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.