Quy hoạch Tây Nguyên theo 3 tiểu vùng – 3 cực tăng trưởng – 5 hành lang kinh tế

Đại diện các Bộ, ngành và địa phương đều thống nhất quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình '3 tiểu vùng 3 cực tăng trưởng – 5 hành lang kinh tế'.

Chiều 30-11, tại TP Pleiku (Gia Lai), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên chuyên đề về quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là nội dung quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ này lập quy hoạch.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương và năm tỉnh Tây Nguyên, gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

 Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên chuyên đề về quy hoạch vùng Tây Nguyên tổ chức tại TP Pleiku. Ảnh: LH

Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên chuyên đề về quy hoạch vùng Tây Nguyên tổ chức tại TP Pleiku. Ảnh: LH

Vùng Tây Nguyên được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Trong quá trình phát triển, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng càng thấy rõ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, nhìn nhận: “Bản quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng”.

Theo đó, Bộ đã triển khai nghiêm túc, công phu và khoa học. Xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành trung ương.

Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều nội dung lớn, như: xác định trọng tâm về tăng trưởng của vùng; định hướng không gian phát triển với 3 tiểu vùng – 3 cực tăng trưởng – 5 hành lang kinh tế; trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết điểm nghẽn nguồn nhân lực… xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện các Bộ, ngành và địa phương đều thống nhất phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình “3 tiểu vùng – 3 cực tăng trưởng – 5 hành lang kinh tế”.

Cụ thể, ba tiểu vùng bao gồm: Bắc Tây Nguyên (hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk), Nam Tây Nguyên (Đắk Nông và Lâm Đồng). Ba cực tăng trưởng, gồm: TP Pleiku, TP Buôn Ma Thuột và TP Đà Lạt.

Năm hành lang quan trọng, gồm: hành lang cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh, cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Nha Trang và hành lang cửa khẩu Bu Prăng - Gia Nghĩa – Bảo Lộc – Bình Thuận.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra dự án đường hành lang kinh tế phía Đông ở Gia Lai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra dự án đường hành lang kinh tế phía Đông ở Gia Lai.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng bên cạnh các tuyến cao tốc đã quy hoạch và đang triển khai thực hiện, thì cần sớm bổ sung thêm những tuyến mà các địa phương mới kiến nghị như: cao tốc Kon Tum – Quảng Ngãi; cao tốc Đà Nẵng – Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi – Bờ Y nhằm tăng tính kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận và khu vực quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ: Tây Nguyên vẫn nghèo, vẫn khó và đã cống hiến cho phát triển của đất nước rất nhiều cho nên chúng ta phải có cơ chế riêng cho Tây Nguyên chứ không phải như các vùng khác theo cơ chế xin cho.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-hoach-tay-nguyen-theo-3-tieu-vung-3-cuc-tang-truong-5-hanh-lang-kinh-te-post764382.html