Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cần chuẩn bị dư địa để ứng phó với ngập lụt
Tần suất những trận mưa cực đoan có chiều hướng gia tăng dày hơn. Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cần chuẩn bị dư địa cho việc ứng phó với ngập lụt.
Gia tăng mưa cực đoan
Là người nhiều năm nghiên cứu về tình hình ngập lụt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, theo Tiến sĩ Lê Hùng – Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, trong vòng 10 năm trở lại đây (năm 2013 – nay) đã xuất hiện 5 trận mưa trên 89 mm/1 giờ, trên 148 mm/3 giờ. Trong khi đó, trước năm 2013, chưa có trận mua nào xảy ra như vậy (trận mưa 1 giờ lớn nhất là năm 1999 với lượng mưa 54,6 mm; mưa 3 giờ lớn nhất năm 2009 là 125,7 mm). Đợt mưa lũ vừa qua là lần thứ 2 trong 4 năm kể từ 2018 đến nay xảy ra trận mưa cực đoan. Điều đó cho thấy tần suất trận mưa cực đoan xuất hiện ngày càng dày hơn; lượng mưa ngày càng lớn hơn (lượng mưa 1 giờ và 3 giờ lớn nhất trong đợt mưa lũ vừa qua gấp 1,5 lần lượng mưa trong thời gian tương tự năm 2018).
Tiến sĩ Lê Hùng cho biết, số liệu lượng mưa 1 giờ, 3 giờ và 6 giờ lớn nhất thống kê từ năm 1976 – 2018 cho thấy năm 2022, lượng mưa 1 giờ vượt tần suất 0,2% (chu kỳ 500 năm xảy ra 1 lần), lượng mưa 3 giờ vượt 0,1% (chu kỳ 1.000 năm xảy ra một lần), và lượng mưa 6 giờ xấp xỉ 0,2% (chu kỳ 500% xảy ra 1 lần). Vì vậy, từ trận mưa bất thường vừa qua thành phố phải làm rõ được những bất cập về hạ tầng. “Không phải để quy trách nhiệm, mà để chính quyền thành phố, những nhà quản lý, quy hoạch có giải pháp và sự chuẩn bị cho tương lai để ứng phó với những trận mưa cực đoan có thể xuất hiện nhiều hơn, tránh cho thành phố bị “đánh úp” và hoàn toàn “thất thủ” như đợt mưa lũ vừa qua.
Đồng tình với quan điểm này, theo TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn, thành phố Đà Nẵng là đô thị biển, vì vậy cần có kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Nhưng cơn mưa vừa rồi chưa phải là biến đổi khí hậu, mật độ đô thị tại thành phố chưa cao, mà đã ngập như vậy. Trong tương lai, thành phố chắc chắn còn phải đối mặt với những trận mưa có thể lớn hơn nữa. Trận mưa lớn này chưa phải là ngưỡng. Tức là phải có sự tính toán, ứng phó lâu dài”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định và cho rằng thành phố phải có sự chuẩn bị thật tốt để việc ứng phó với những trận mưa cực đoan hiệu quả hơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Về lâu dài, thành phố Đà Nẵng phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trong đó, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước; cần kết hợp làm tốt công tác dự báo, thực hiện tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra do đặc thù địa phương ven biển, tiềm ẩn nhiều thiên tai.
Phải đánh giá lại hệ thống thoát nước thành phố
Theo Tiến sĩ Lê Hùng, thành phố Đà Nẵng phải đánh giá kỹ các công trình thoát nước hạ tầng khi xây dựng mới. Bên cạnh đó, đánh giá lại các hiện trạng và quy hoạch thoát nước, thoát lũ của thành phố. Ngoài việc xác định một số điểm ngập sau mỗi lần mưa cần đánh giá khả năng chịu đựng tối đa của khu vực là bao nhiêu mm. Để tăng khả năng thoát nước cần xác định ưu tiên đầu tư những công tình xây dựng nào theo từng giai đoạn. Ngoài ra, cần tuyển dụng được người tài trong công tác ứng phó với thiên tai; cập nhật liên tục các cảnh báo thiên tai, các vị trí có nguy cơ ngập nặng để thông tin rộng rãi cho người dân nắm được thông tin.
GS.TS. Nguyễn Thế Hùng – Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho rằng thành phố phải rà soát, đánh giá lại hệ thống thoát nước của thành phố bao gồm cả tiêu chuẩn về kích thước, độ dốc của hệ thống thoát nước. Thường xuyên theo dõi, nạo vét để không cản dòng chảy, làm chậm tốc độ thoát nước.
Ngoài ra, thành phố phải nghiêm túc xem xét lại vai trò của các hồ điều tiết nước. “Thành phố Đà Nẵng có nhiều hồ điều tiết tự nhiên nhưng dần bị thu hẹp và san lấp. Ví dụ như hồ Thạc Gián, hồ Bàu Tràm, hồ Vàng… Việc thu hẹp diện tích sẽ làm khả năng điều tiết nước giảm xuống. Đô thị hóa, bê tông hóa làm khả năng rút nước tự nhiên mất đi”, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng nói.
Quy hoạch phải chuẩn bị dư địa để ứng phó với việc ngập lụt
Nói về giải pháp khắc phục ngập lụt cho thành phố Đà Nẵng, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cần chuẩn bị dư địa để ứng phó với việc ngập lụt”.
Trên thực tế, mật độ xây dựng tại thành phố Đà Nẵng chưa phải là cao. Thành phố vẫn đang đô thị hóa mạnh mẽ. Trong tương lai gần Đà Nẵng còn có mật độ xây dựng, đô thị cao hơn nhiều hiện tại. Sẽ có thêm nhiều công trình cao tầng, thậm chí là bê tông hóa. Như vậy, quy hoạch cần chuẩn bị dư địa cho việc ứng phó với ngập lụt.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuẩn bị về quy hoạch để ứng phó với việc ngập lụt đó là phải tăng không gian xanh bao gồm ở khu vực đồi núi với đồng bằng nên có những vành đai xanh rừng để giữ nước lại, cản tốc độ nước từ trên núi đổ xuống. Cùng với đó, là tăng không gian xanh công viên thành phố. Hiện giờ, diện tích công viên tại thành phố Đà Nẵng khá thấp, cần thiết phải bổ sung. Trong quy hoạch phải tăng diện tích công viên. Các công viên có vai trò khi mưa lớn, hạ tầng không kham nổi thì nước đổ vào công viên, thẩm thấu xuống đất, bổ sung nước ngầm. Một mặt giảm xâm nhập mặt, một mặt giảm ngập.
“Hiện tại Đà Nẵng đang thiếu công viên, thiếu không gian rừng. Đừng tham lam xây dựng đô thị nhiều quá mà phải có không gian rừng để giữ nước, có đồi núi để ngăn nước chảy xuống nhanh. Dưới đồng bằng thì phải có công viên kết hợp với hồ nước”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị.
Song song với không gian xanh, cần nghiên cứu những hệ thống kênh rạch làm không gian cho nước. Đặc biệt chú ý đến bổ sung các hồ điều tiết. Đối với những khu vực đô thị đã làm kín hết thì tương lai xa phải tính đến xây dựng các hồ điều tiết ngầm để thu nước.
Phải hoàn thiện, nâng cấp dần dần hệ thống hạ tầng thoát nước đối với đô thị cũ (đã xây dựng), giám sát chặt chẽ việc xây dựng hạ tầng thoát nước ở các khu đô thị mới.
Khi có những trường hợp mưa cực đoan như thời gian qua, thậm chí mưa lớn hơn thì sẽ phải chuẩn bị những không gian cho nước để hút nước về đó. Ở những vị trí các con đường bị ngập gần các hồ điều tiết thì nước về hồ điều tiết đường sẽ hết ngập. Đó là một kinh nghiệm.
Trong tương lai, để giảm tác hại của biến đổi khí hậu sẽ có những đô thị phải quy hoạch chiều cao nền của đô thị đủ cao và không gian nước. Đợt ngập lụt vừa rồi tại thành phố Đà Nẵng là một cảnh báo cần thiết để các thành phố có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
“Đà Nẵng ngập vừa qua là một điều đáng tiếc, nhưng cũng là điều may mắn cảnh báo cho biết Đà Nẵng trong có thể ngập hơn để thành phố có sự đầu tư, chuẩn bị bài bản hơn ứng phó hiệu quả với ngập lụt đô thị”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn nói.
Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021:
Thành phố Đà Nẵng hiện có 31 hồ điều tiết nước, chủ yếu là hồ nhỏ (có diện tích từ 1,4 – 6,9 ha). Hồ điều tiết lớn nhất hiện tại là hồ Bàu Tràm (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) với diện tích 48,6 ha.
Thành phố Đà Nẵng sẽ xem xét, đánh giá đúng mức lại vai trò của các hồ điều tiết. Trong đó nhấn mạnh, cần có nghiên cứu sâu về vấn đề này và xem xét tăng cường mạng lưới hồ điều tiết nước.
Để giảm quy mô và lưu lượng mạng lưới thoát nước mưa việc cần thiết là xây dựng các hồ điều hòa (bao gồm cả cải tạo hồ hiện trạng và xây dựng mới) trong từng lưu vực và đảm bảo tuân thủ theo vị trí các hồ quy hoạch trong đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Hiện nay khu vực huyện Hòa Vang bị ngập lụt rất nhiều vị trí trong khi quy hoạch chung 2013 chưa nghiên cứu sâu khu vực này. Cần phải kiểm tra, đánh giá lại cho khu vực này đặc biệt là ảnh hưởng của phát triển đô thị và các tuyến đường giao thông như cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Vành đai phía Tây.
Vũ Lê