Quy hoạch, thiết kế đô thị tạo dư địa phát triển bền vững
Ngày 11-9, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị.
Ngày 11-9, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị.
Tại buổi làm việc, ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết, quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện bản vẽ thiết kế đô thị. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng TL 1/5.000 nhưng chưa có quy định quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị và bản vẽ hạ tầng kỹ thuật mà mới dừng lại ở bản vẽ tổng mặt bằng sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND thành phố, vào năm 2017, HĐND thành phố đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, trong đó có việc giám sát công tác lập và quản lý quy hoạch. Dù có chuyển biến nhưng công việc này còn nhiều nội dung chậm thực hiện, chưa tập trung cho việc tháo gỡ vướng mắc, thủ tục pháp lý về quy hoạch để tạo tính đột phá, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ông Trung cho rằng, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch hiện nay vẫn chưa thực sự được thực hiện bài bản mà còn tình trạng "tư duy nhiệm kỳ". Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, với thực trạng hiện nay, công tác quy hoạch cần thiết phải thực hiện nội dung cốt lõi là thiết kế đô thị, tái thiết các khu đô thị cũ để bảo đảm thuận lợi trong công tác phân cấp quản lý. UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng thực hiện lập thiết kế đô thị khu vực trung tâm với diện tích nghiên cứu 1.800 ha gồm Q. Hải Châu và một phần diện tích của Cẩm Lệ, Thanh Khê. Sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục tiến hành thiết kế đô thị các quận huyện còn lại.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại thành phố đang thiếu các nội dung quy hoạch 1/5.000; 1/2.000 hay thiết kế đô thị. Chính vì vậy, cần bổ sung thực hiện các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị có tính hệ thống, tạo ra sản phẩm để bảo đảm công tác quản lý, phân cấp quản lý và cải cách hành chính trong phát triển đô thị lâu dài. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra dư địa để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị bền vững theo Nghị quyết số 43- NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.