Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045: Đòi hỏi phương pháp nghiên cứu mới
TP Hà Nội đã có kế hoạch triền khai công tác chuẩn bị lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Để hiểu rõ hơn về công việc quan trọng này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội.
Sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, một số Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan đã ban hành, Hà Nội là địa phương đã sớm có kế hoạch triển khai lập quy hoạch. Xin ông cho biết nhận định của mình về công tác này?
- Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện công tác quy hoạch. Tôi cho rằng, đây là một sự nỗ lực rất lớn của Thành ủy, HĐND và UBND TP. Kết quả đã đạt được không chỉ ở khối lượng lớn mà còn cả ở chất lượng. Việc triển khai thực hiện quy hoạch này thực sự là định hướng, là công cụ quản lý cho phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân, nâng tầm vị thế của Hà Nội với vùng, với cả nước và khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới, hội nhập, nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều lần trước đây, công tác quy hoạch nói chung trên phạm vi cả nước trong đó có Hà Nội cũng đã bộc lộ những tồn tại. Đó là quy hoạch được lập quá nhiều, nguồn lực thực hiện chưa thật sự khả thi. Ví dụ, từ năm 2000 – 2010 cả nước đã có hơn 3.100 quy hoạch, đến giai đoạn 2010 - 2020 số quy hoạch đã nâng lên gấp 6 lần (khoảng 19.000 quy hoạch).
Hệ thống quy hoạch còn thiếu gắn kết, chồng chéo, thậm chí chưa thống nhất. Phương pháp, nội dung quy hoạch chưa có đổi mới mạnh để phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, Luật Quy hoạch ra đời là sự kiện đổi mới có thể xem là cuộc cách mạng trong quy hoạch. Đến nay, việc thực hiện cũng đang còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Vì vậy, khi TP Hà Nội có kế hoạch triển khai lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch cần nhận diện được thách thức để có giải pháp bảo đảm chất lượng quy hoạch.
Nội dung quy hoạch lần này có gì khác so với quy hoạch hiện có, thưa ông?
- Tại Việt Nam, ở cấp TP, cấp tỉnh đã có nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực đồng thời có hiệu lực như: Quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, giao thông, sử dụng đất… Trong mỗi quy hoạch đều đã có sự tham gia của nhiều bộ môn, ví như quy hoạch xây dựng đô thị có giao thông, cấp thoát nước, môi trường, kinh tế đô thị và kiến trúc. Sắp tới quy hoạch là tích hợp nhiều ngành (có thể gọi là nhiều hợp phần), mà ở đó quy hoạch cấp tỉnh phải giải quyết, định hướng về kinh tế - xã hội, văn hóa, đất đai, đô thị, nông thôn, môi trường, kết cấu hạ tầng, kiến trúc… Có thể xem mỗi hợp phần là một quy hoạch ngành trước đây ban hành độc lập. Do vậy, khi đã tích hợp trong một đồ án quy hoạch lần này là cả yêu cầu phức tạp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Nội dung quy hoạch đổi mới, đòi hỏi cần có chỉ đạo, phương pháp nghiên cứu mới.
Triển khai quy hoạch tích hợp đa ngành quả là không đơn giản. Theo ông, trong quá trình triển khai cần chú trọng đến yêu cầu gì?
- Theo tôi, để triển khai hiệu quả trước hết cần xác định đầy đủ cơ sở khoa học khi xây dựng nhiệm vụ quy hoạch, lựa chọn thành phần tham gia Hội đồng thẩm định cần có năng lực, khách quan… Việc lấy ý kiến tham gia không chỉ là cấp bộ, từ các địa phương liền kề mà cần quan tâm đến cơ quan các cấp, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Kế đến, cần xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch từ cấp quốc gia đến TP.
Lâu nay, các ngành quản lý độc lập và mang tính chuyên ngành. Nay với quy hoạch TP có yếu tố tích hợp đa ngành, việc thu thập, tập hợp hệ thống dữ liệu quan tâm trước hết, sau đó mới đến giải pháp thông tin, khai thác dữ liệu. Bên cạnh đó, cần quan tâm lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch. Lâu nay, chúng ta đã có nhiều hình thức như liên danh trong và ngoài nước, chỉ định tư vấn, lựa chọn thi tuyển tư vấn… Với quy hoạch tích hợp cấp TP, còn cần có trao đổi, tiếp thu và nhất là giải trình các ý kiến tham gia để bảo đảm khách quan.
Thực tế, Hà Nội đã có số lượng quy hoạch ngành khá lớn nên trong quá trình nghiên cứu và sau khi quy hoạch mới được phê duyệt cần rà soát để có quyết định điều chỉnh. Đây là việc cần làm đồng thời khi xem xét phê duyệt quy hoạch mới, vì nó có tác động đến các dự án đã công bố hoặc đang triển khai, tác động đến công tác quản lý TP.
Xin cảm ơn ông!