Quy hoạch tỉnh Hà Giang: Tập trung 4 trụ cột và 3 khâu đột phá
Ngoài mục tiêu tăng GRDP giai đoạn 2021-2030 trên 8%, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn tập trung 4 trụ cột và 3 khâu đột phá
Mở ra cơ hội phát triển mới
Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho hay, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022.
Quá trình triển khai lập quy hoạch, Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang tổ chức xin ý kiến 17 bộ, cơ quan trung ương; 13 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh Hà Giang cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 2 hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch tỉnh Hà Giang. Trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý, UBND tỉnh Hà Giang đã tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh.
Nội dung trong bản Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang trong thời kỳ quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của trung ương và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Tăng cường đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh. Chuyển dịch mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo lợi thế so sánh cũng như việc tận dụng tối đa công nghệ số để tiếp cận, kết nối giữa các thị trường trong nước và quốc tế.
Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện sinh kế cho người dân và an sinh xã hội, y tế; giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong đồng bào dân tộc của tỉnh, thúc đẩy giảm nghèo; đẩy mạnh tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng; coi trọng phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đời sống và kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các vùng khó khăn và chậm phát triển...
4 trụ cột và 3 khâu đột phá
Quy hoạch tỉnh Hà Giang cũng đưa ra 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá trong phát triển của tỉnh thời gian tới. Theo đó, Hà Giang sẽ ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ; ngành giáo dục và đào tạo). Cùng với đó, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng là: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại.
Tỉnh Hà Giang sẽ tập trung 3 khâu đột phá: Thứ nhất, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, quy mô quy hoạch 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (đến địa phận huyện Bắc Quang), quy mô quy hoạch 4 làn xe.
Thứ hai, phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị; Thứ ba, tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%/năm; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân trên 8%/năm.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành nông - lâm - thủy sản khoảng 22%; ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 29%; ngành dịch vụ khoảng 44%; thuế và trợ cấp khoảng 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, tương đương 3.400 USD, bằng 45% so với cả nước.
Thu ngân sách trên địa bàn: Đến năm 2030, đạt 6.000 tỷ đồng. Nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 trên 132 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5,2 tỷ USD. Tỷ lệ đầu tư trên GRDP bình quân khoảng 30%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2025 giàm còn 24% và đến 2030 còn 10%.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Hà Giang là địa phương thứ 23 của cả nước được thẩm định và nhấn mạnh đến những thuận lợi trong công tác lập quy hoạch hiện nay với nhiều văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành. Đặc biệt, mới đây Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các Nghị quyết của các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, cho các vùng, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong quá trình xây dựng quy hoạch; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định thông qua. Đồng thời nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng với cả nước, từng vùng, địa phương. Do vậy, phải đánh giá hết được các tiềm năng lợi thế, đặc biệt là trong điều kiện, xu thế mới để tìm được hướng đi mang tính đột phá để phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với chủ trương, đường lối cũng như xu thế.
TS. Đinh Trọng Thắng - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các ý kiến tại phiên họp thẩm định thống nhất với việc báo cáo quy hoạch đã xác định quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh.
Tuy nhiên, một số thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị nghiên cứu, bổ sung quan điểm lấy tài nguyên nước và an ninh nguồn nước là yếu tố cốt lõi, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải phù hợp với khả năng nguồn nước, tôn trọng quy luật tự nhiên và điều kiện thực tế, không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Một số ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định lại đề nghị nhấn mạnh quan điểm bảo đảm an ninh, quốc phòng trong bối cảnh kinh tế mở, tăng cường giao lưu quốc tế. Đồng thời, đề nghị làm rõ quan điểm về phát triển đồng đều hay phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư để hình thành các cực phát triển từ đó lan tỏa ra các vùng khác trên cơ sở đảm bảo an sinh xã hội cho các vùng không trọng điểm. Nghiên cứu, bổ sung quan điểm chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong định hướng, phương án, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến tham gia và trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Cơ quan lập quy hoạch tỉnh tập trung nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2003, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.