Quy hoạch tỉnh: Nhận diện rõ tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế để phát triển
Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 chính thức được Hội đồng thẩm định quy hoạch trung ương thông qua vào cuối tháng 10/2023, dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 1/2024. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để Lạng Sơn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trung và dài hạn với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng nhanh và bền vững.
Quy hoạch tỉnh – bản thiết kế toàn diện
Việc lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cụ thể hóa các nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mục tiêu đặt ra nhằm khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả các điều kiện và tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong giai đoạn mới, từ đó xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh phát triển bền vững và có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Ông Lương Đăng Ninh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhấn mạnh: Báo cáo quy hoạch tỉnh lần này được xây dựng có tính khả thi rất cao, có tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch tỉnh đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển chiến lược, giúp tỉnh nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa lợi thế.
Trong quá trình tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu rất cao trong việc thiết kế quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp thực tiễn và nhu cầu phát triển nhanh và bền vững gắn với thúc đẩy liên kết vùng. Theo đó, quy hoạch tỉnh đã xác định rõ các chương trình, mục tiêu phát triển có tầm nhìn chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng định hướng về xây dựng cơ chế chính sách có tác động lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào tỉnh từ đó tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Lạng Sơn, góp phần nâng cao vị thế, vai trò kết nối kinh tế của tỉnh với vùng và liên vùng.
4 khâu đột phá được nêu trong quy hoạch tỉnh gồm:
– Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đấu tư và phát triển các thành phần kinh tế
– Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa của tỉnh.
– Phát triển kinh tế cửa khẩu, Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch thực sự là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thú đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2030.
– Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để công nghiệp là động lực ngày càng quan trọng của kinh tế tỉnh.
8 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
1. Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch
2. Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, thương mại, viễn thông.
3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động và thu hút nhân tài
4. Phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030
5. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã
6. Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới
7. Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn
8. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, báo cáo quy hoạch của tỉnh đã cơ bản khắc phục được những hạn chế về sự chồng chéo giữa các quy hoạch trước đây và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng khu cụm công nghiệp; xác định các khu vực cần ưu tiên đầu tư phát triển; tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư có tính toán đến các yếu tố về môi trường và phát triển bền vững. Hơn nữa, các định hướng phát triển vùng, lĩnh vực ngành đề cập trong quy hoạch tỉnh đã được cơ quan soạn thảo lắng nghe, tiếp thu từ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Để Lạng Sơn trở thành cực tăng trưởng mới
Tại hội thảo tham vấn các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý trong nước về quy hoạch tỉnh Lạng Sơn diễn ra cuối năm 2022, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu quan điểm: Dự thảo quy hoạch tỉnh đáp ứng được các yêu cầu về quy mô, cơ cấu nội dung và chất lượng, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, giải pháp huy động nguồn lực và đưa quy hoạch vào cuộc sống. Cùng với đó là tư duy đột phá của tỉnh thể hiện trong quy hoạch tỉnh phải được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả đó là niềm mong mỏi lớn nhất của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền của tỉnh để Lạng Sơn thực sự cất cánh trong thời gian tới.
Để thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra theo kịch bản tăng trưởng đạt 8-9%/năm và nhu cầu vốn đầu tư phát triển của tỉnh thời kỳ 2021-2030 vào khoảng 340 nghìn tỷ đồng, cơ quan chủ quản xây dựng quy hoạch tỉnh đã đề xuất 7 nhóm giải pháp, giải pháp để huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch. Cụ thể gồm: nhóm giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển và cung ứng nguồn nhân lực phát triển thị trường lao động; nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế chính sách liên kết phát triển; giải pháp về bảo đảm an ninh quốc phòng; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc tổ chức công bố công khai và tổ chức thực hiện hết sức quan trọng, bởi quy hoạch tỉnh khác với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trước đây, nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp đầy đủ trong quy hoạch tỉnh. Báo cáo quy hoạch tỉnh đã cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân về các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và người dân yên tâm đầu tư vào tỉnh. Đó là mong muốn của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và là một trong những giải pháp để huy động nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch tỉnh nhằm phấn đấu đưa Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
Với hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp mà quy hoạch tỉnh đã đề cập, cộng với sự quyết tâm triển khai thực hiện khi quy hoạch được phê duyệt của hệ thống chính trị, tin tưởng trong tương lai không xa, tỉnh Lạng Sơn sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; có nền kinh tế phát triển có bản sắc rõ ràng, là nơi đáng sống trên chặng đường hội nhập và phát triển.