'Quy hoạch tổng thể xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng cần gắn với bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa'
Đó là nhấn mạnh của Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên mới đây khi đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội.
Qua thảo luận cho thấy: Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất đánh giá, Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung hết sức cần thiết và quan trọng để làm cơ sở triển khai lập nhiều quy hoạch quan trọng khác.
Quy hoạch cần nghiên cứu, lập quy hoạch bổ sung thêm các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nghị quyết về phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để nội dung quy hoạch này phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhưng cũng vừa bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước và đặc biệt là không xa rời thực tiễn.
Quy hoạch tổng thể xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng cần gắn với bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa
Trong quá trình thảo luận, một số đại biểu Quốc hội có bày tỏ băn khoăn về nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Thảo luận về quy hoạch quan trọng này, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên khẳng định quan điểm, khi tiến hành quy hoạch tổng thể xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng cần gắn với bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Từ Đại hội I đến Đại hội XIII, chúng ta đều xác định hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, sau khi giành lại độc lập, thống nhất đất nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được ưu tiên đặc biệt.
Theo Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 4-10-2020 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã giao Bộ Quốc phòng tổ chức lập 4 hợp phần tích hợp với quy hoạch quốc gia gồm: Hợp phần quy hoạch sử dụng đất quốc phòng; Hợp phần quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược và công nghiệp quốc phòng; Hợp phần quy hoạch quản lý vùng trời quốc gia và Hợp phần quy hoạch trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
"Các hợp phần này đều được tích hợp cơ bản trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan trọng nhất là tính linh hoạt, lưỡng dụng và quy hoạch của Bộ Quốc phòng phải nằm trong tổng thể của Quy hoạch quốc gia", Thiếu tướng Lê Quang Đạo nói.
Về xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc cũng được Bộ Quốc phòng xác định rất rõ. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt nhiệm vụ lập các hợp phần quy hoạch; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức lập, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định, phê duyệt đúng quy định và tiến hành bàn giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực để quản lý, bảo vệ, sử dụng và tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm thời gian quy định.
Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ nên xác định các định hướng lớn về xác định phạm vi không gian biển
Đáng chú ý, một số ý kiến đại biểu Quốc hội trước đó cũng đề nghị xác định rõ phạm vi không gian biển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Về nội dung này, Thiếu tướng Lê Quang Đạo phân tích rõ: Phạm vi ranh giới không gian biển quốc gia bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và đã được thể hiện trong Hợp phần quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng.
Nhấn mạnh việc xác định phạm vi không gian biển liên quan đến chính trị, đối ngoại và quốc phòng, an ninh; do vậy, Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho rằng, trong hồ sơ công khai của Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ nên xác định các định hướng lớn và đã được khái quát, tóm lược ở phạm vi và mức độ phù hợp; bản đồ phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố không gian các ngành, lĩnh vực được quản lý, sử dụng và bảo vệ theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Ngoài ra, định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.
Về nội dung này, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nêu rõ, định hướng này được xác định là một Hợp phần trong Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 4-1-2020 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mặt khác, trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia không có Quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền nên việc đưa định hướng trên vào Quy hoạch tổng thể quốc gia là phù hợp.
Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Lê Quang Đạo, việc phát triển hệ thống cửa khẩu đất liền có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giao thương với các nước có chung đường biên giới trên bộ và kết nối với các hành lang kinh tế trong khu vực và quốc tế, qua đó góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác, phát triển và tạo thuận lợi trong phối hợp với các nước bạn trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo nhấn mạnh: Bức tranh quy hoạch tổng thể quốc gia phải luôn bảo đảm hai điều cốt lõi: Xây dựng đất nước thịnh vượng, dân giàu nước mạnh và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, xây dựng đất nước từ khi nước còn chưa nguy.