Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Mở ra những chương mới đầy triển vọng
Hơn 1/4 thế kỷ trôi qua, kể từ năm 1997 khi tách địa giới hành chính với tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng từng bước 'chuyển mình' và trở thành địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch của thế giới, với thương hiệu 'đáng sống' và 'đáng đến'…
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận xét: “Đà Nẵng đã vươn dậy mạnh mẽ, làm một cuộc đổi đời đúng nghĩa. Không nhiều địa phương đạt được thành tích tương tự”.
“Đánh thức” sông Hàn
Nhìn lại những năm cuối thế kỷ XX, Đà Nẵng khi ấy vẫn là một đô thị nhỏ, không gian đô thị bó hẹp, dòng sông Hàn gắn với những xóm nhà nhếch nhác, các bãi biển bị che khuất bởi rừng dương và làng chài; đời sống người dân nhiều gian khó…
Nhưng rồi, sông Hàn đã “chuyển mình”. Từ một nền kinh tế thấp, đến nay quy mô và trình độ nền kinh tế của Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997 - 2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997. Trong hơn hai thập kỷ qua, cơ cấu ngành kinh tế của TP Đà Nẵng đã có sự chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh các ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng của đất nước.
Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997; diện tích đất đô thị vào năm 2019 tăng gần 4 lần năm 1997. Bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày với rất nhiều công trình kiến trúc cao tầng, công trình giao thông độc đáo. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt gần 135.000 tỷ đồng, tăng hơn năm 2022 gần 10.000 tỷ đồng. Dịch vụ, du lịch, kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo vẫn là “điểm sáng”. Thu ngân sách thành phố đạt được những kết quả tích cực; giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu đến hết tháng 1/2024 đạt 95% theo chỉ tiêu Chính phủ giao.
Thành phố tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, đề xuất tháo gỡ những khó khăn từ các kết luận, kiểm tra và đã đạt được những kết quả khả quan. Bên cạnh đó, thành phố tập trung tháo gỡ về thủ tục hành chính trong quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng để thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư cho 40 dự án, khơi thông gần 60.000 tỷ đồng; thu hút nguồn vốn FDI gần 200 triệu USD.
Đà Nẵng được doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao về việc tạo dựng một môi trường đầu tư năng động; luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số. Đặc biệt, Đà Nẵng còn được biết đến là địa phương ban hành nhiều chính sách xã hội đột phá mang đậm tính nhân văn, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân như: miễn học phí, nâng mức bảo hiểm y tế, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cho gia đình chính sách, nâng mức hỗ trợ cho cán bộ cơ sở, quan tâm giải quyết việc làm…, dần định hình nét văn hóa cũng như trở thành “thương hiệu” của thành phố như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, Thành phố “4 an”…
“Với khát vọng vươn lên không ngừng, luôn đặt mình trong cuộc đua tranh phát triển quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển cao hơn, Đà Nẵng luôn coi đổi mới, sáng tạo là động lực chủ đạo dẫn dắt phát triển và thường xuyên làm mới chân dung, hình ảnh thành phố… Tất cả đều hướng tới mục tiêu “đáng sống” cho con người, tạo niềm tin vững chắc vào tương lai của Đà Nẵng”, ông Trần Đình Thiên bày tỏ.
Kỳ vọng vào những trang sử mới
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của Đà Nẵng. Nhiều Nghị quyết và chính sách đặc thù về Đà Nẵng được ban hành, tạo động lực to lớn cho thành phố biển tăng tốc phát triển. Định hướng chiến lược trong Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, xa hơn cho Đà Nẵng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một văn bản pháp lý quan trọng để định hình tương lai của Đà Nẵng.
Theo bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch tích hợp tất cả các ngành và lĩnh vực. Khi làm quy hoạch, tất cả các ngành cùng chung tay, vì vậy các vấn đề đan xen được giải quyết. “Quy hoạch cũng làm rõ hơn những Nghị quyết của Trung ương dành cho Đà Nẵng. Từ đó, cung cấp “bức tranh” tổng thể cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về các định hướng và lĩnh vực phát triển, cũng như các dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, cân đối về quỹ đất, bố trí sẵn quỹ đất cho các dự án. Sau khi có quy hoạch sẽ có cơ sở pháp lý để đồng bộ những quy hoạch khác… Quy hoạch tạo nên động lực to lớn, mở cánh cửa đến tương lai cho thành phố”, bà Tùng chia sẻ.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố “đáng sống”... Đến năm 2050, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế…
Với những mục tiêu quan trọng như thế, Quy hoạch mở ra một chương mới đầy triển vọng cho Đà Nẵng. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: “Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thành phố; Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hình rõ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong hơn 20 năm tới và giải quyết hài hòa giữa “bài toán” phát triển kinh tế, đô thị với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Với quyết tâm cao nhất, Đà Nẵng nỗ lực, phấn đấu để xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Và đường hướng của Đảng và Nhà nước đã mở ra trang sử mới, đưa Đà Nẵng bước vào chặng đường chinh phục mục tiêu vươn tầm quốc tế”.
Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023. Đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới; là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian sớm nhất.
Với chủ đề đã được xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”, năm 2024, UBND thành phố chỉ đạo tập trung thúc đẩy thu ngân sách, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư triển khai trên thực tế; tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, Bộ, ngành trong đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới để phát triển thành phố.
“Năm 2024, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, nỗ lực và cần có thời gian để triển khai thực hiện. Với chủ đề năm 2024 đã được đề ra, UBND thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy các dự án đầu tư ngoài ngân sách, thu hút đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu, Khu công viên phần mềm; đẩy mạnh tiến độ thi công hạ tầng các Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Liên. Cùng với đó là tiếp tục rà soát đầu tư hệ thống cấp thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường, xử lý các điểm đến giao thông”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh.