Quy hoạch và cơ chế: Nguồn năng lượng mới cho dự án điện sạch
Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, những bất cập trong cơ chế giá phát điện được tháo gỡ… sẽ tạo 'nguồn năng lượng mới' để thúc đẩy đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Chờ đợi Quy hoạch Điện VIII
“Mong muốn Chính phủ sớm ban hành Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn tiếp theo (Quy hoạch Điện VIII)”, “ mong muốn sớm triển khai các dự án điện khí”, “sớm công bố các khuôn khổ hỗ trợ để đẩy nhanh mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi theo một số dự thảo của Quy hoạch Điện VIII”… là những ý kiến được một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, nhóm công tác liên quan bày tỏ trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023 diễn ra cuối tuần này.
Tâm lý chờ Quy hoạch Điện VIII của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng cũng như giới đầu tư nói chung không khó lý giải, bởi dự án điện không giống như dự án thông thường khác.
Để được triển khai, đầu tiên, dự án điện phải có tên trong Quy hoạch Điện được phê duyệt. Ở thời điểm tháng 3/2023, Quy hoạch Điện VIII cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được ban hành.
Ngày 14/3/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản “nhắc” Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà theo kết luận tại Thông báo số 51/TB-VPCP ngày 22/2/2023.
Trước đó, ngày 9/3/2023, Văn phòng Chính phủ cũng có “lời nhắc” tương tự với Bộ Công thương, bởi đã không có báo cáo mới hơn về Dự thảo Quy hoạch Điện VIII trước ngày 25/2/2023, theo yêu cầu được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra tại cuộc họp ngày 10/2/2023.
Được biết, trước cuộc họp ngày 10/2/2023, Bộ Công thương đã có 8 tờ trình liên quan tới Dự thảo Quy hoạch Điện VIII.
Tính từ thời điểm Nhiệm vụ lập Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg, ngày 1/10/2019, hơn 40 tháng đã trôi qua, nhưng Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa được chính thức phê duyệt. Bởi vậy, sự sốt ruột của các nhà đầu tư cũng là điều dễ hiểu.
Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt, nên nhiều dự án nguồn điện hay truyền tải chưa nằm trong các quy hoạch điện trước đó đành phải “đứng im”. Trong đó, phải kể đến 50 dự án truyền tải điện cấp bách được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liệt kê từ giữa năm 2020 sau khi thuê tư vấn tính toán, rà soát, giờ vẫn trong trạng thái “đề xuất”.
Với điện gió ngoài khơi, dù Việt Nam được đánh giá là rất có tiềm năng phát triển lĩnh vực này, nhưng bởi Quy hoạch Điện VIII chưa được duyệt, nên cũng chưa dự báo được tương lai tới năm 2030 sẽ ra sao.
Mặt khác, ở các dự án điện gió ngoài khơi này, hàng loạt rủi ro và vướng mắc dù đã được các nhà đầu tư nêu ra, song chưa rõ cơ quan quản lý nhà nước nào sẽ gỡ khó. Vì vậy, mục tiêu có được 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 mà Dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất đưa ra cũng là một thách thức lớn.
“Do Quy hoạch Điện VIII chưa được ban hành, nên hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan như sản xuất nhiên liệu sinh khối cũng bị ảnh hưởng. Việc sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII sẽ đảm bảo nguồn lực đầu tư vào sản xuất điện phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nêu quan điểm.
Tuy vậy, nhìn vào thực tế, có thể thấy, Quy hoạch Điện VIII dù được phê duyệt chính thức cũng không phải là “đũa thần” để các dự án điện mới được triển khai nhanh chóng và thuận lợi như kế hoạch nhà đầu tư đưa ra.
Đơn cử, trường hợp của 12 dự án điện khí LNG nằm trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với sự tham gia của vốn ngoại đều được ghi chú: “khó khăn trong đàm phán Hợp đồng Mua bán điện (PPA) và thu xếp vốn thực hiện dự án”.
Dự án điện khí LNG thường có quy mô lên tới cả tỷ USD, việc không đàm phán được PPA đồng nghĩa với khó thu xếp vốn từ các bên cho vay. Trong quá trình đàm phán PPA, với nhiều mong muốn mà nhà đầu tư đưa ra, EVN không có quyền quyết định, do phải tuân thủ quy định do các bộ/ngành ban hành.
Kiến nghị gỡ vướng cơ chế
Ngay trước thềm VBF năm nay, 36 nhà đầu tư đã cùng ký tên trong một đề nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Trước đó, nhiều hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài đã trực tiếp hoặc thông qua văn bản bày tỏ sự quan ngại với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về thực tế chậm trễ và gián đoạn của các cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, khi các chính sách hiện hành có những điều khoản quan trọng hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021 (với điện mặt trời) và từ ngày 1/11/2021 (với điện gió).
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.871,62 MW (4.184,8 MW điện gió và 491,82 MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch (dự án chuyển tiếp).
Việc chậm tiến độ khiến các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TT (điện gió), Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (điện mặt trời).
Trong đó, đặc biệt là nhóm 34 dự án với tổng công suất 2.090,97 MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm, đảm bảo đủ điều kiện huy động (theo thông tin cập nhật tới tháng 3/2023).
34 dự án này có tổng vốn đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 58.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng. Bởi vậy, nếu không có cơ chế hợp lý, thì sẽ có nguy cơ đổ vỡ tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi được vốn.
Về lâu dài, cơ chế giá điện không đạt hiệu quả sẽ dẫn tới việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án, ảnh hưởng tới việc đảm bảo an ninh năng lượng, không thực hiện được các chính sách, cam kết chuyển dịch năng lượng và lộ trình cắt giảm khí thải của Việt Nam…
Nguồn cơn chính của vấn đề được cho là, giá mua điện mới phải nằm trong khung giá của Quyết định số 21/2023/QĐ-BCT, mà mức giá trần thấp xa so với các mức giá FIT trước đây cho năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, là không có thời hạn bao tiêu 20 năm, không có quy định tỷ lệ trượt giá hay quy đổi sang ngoại tệ là USD, cũng như không có cam kết về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án năng lượng tái tạo với giá mua điện tại điểm giao nhận. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại về tính hiệu quả của dự án.
Không chỉ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, các dự án điện mặt trời mái nhà (RTS) cũng đang gặp khó khăn.
EuroCham cho hay, do không có hướng dẫn của cơ quan chức năng về RTS và bối cảnh thảo luận kéo dài về Quy hoạch Điện VIII, EVN đã từ chối phê duyệt kết nối lưới điện cho các dự án RTS được phát triển trong năm 2022.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư dự án RTS cho biết, theo công văn của Tổng công ty Điện lực miền Nam (ban hành năm 2021) và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (ban hành tháng 4/2022), các dự án RTS ở cả hai miền Nam, Bắc không được đấu nối lưới cho đến khi có yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương. Nhiều khu công nghiệp cũng đã từ chối cấp phép đấu nối vào trạm biến áp của họ, vì không có hướng dẫn từ Bộ Công thương.
Tuy nhiên, các dự án RTS triển khai chậm không chỉ do Bộ Công thương, mà còn liên quan đến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đại diện hơn 10 nhà đầu tư (gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) tại phía Nam, đang đầu tư dự án RTS phản ánh, hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng về cấp phép xây dựng cho các dự án RTS từ Bộ Xây dựng. Do đó, mỗi tỉnh/thành phố yêu cầu quy trình, thủ tục khác nhau. Thậm chí, có địa phương, cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ do chưa hiểu hết các yêu cầu/tiêu chí kỹ thuật.
Ngoài ra, nhiều đơn vị sản xuất đang tận dụng diện tích mái nhà, lắp các tấm pin mặt trời để tự tiêu thụ, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Tài nguyên và Môi trường/các Sở Tài nguyên và Môi trường cho hoạt động này.
Bộ Công an cũng được nhắc đến trong kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF. Cụ thể, cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương hướng dẫn thủ tục không nhất quán trong quá trình thẩm định duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy của hệ thống RTS, làm cho quá trình thẩm định dự án phức tạp, kéo dài.
Những khó khăn nêu trên khiến nhà đầu tư phải vất vả hơn trong quá trình triển khai dự án, thậm chí, nếu không được kịp thời tháo gỡ, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển hướng quan tâm của mình sang thị trường khác, thay vì Việt Nam.
Dự kiến trong năm 2023, tần suất nguồn điện mặt trời quy mô lớn là 50%, tần suất nguồn điện gió là 75% (xét đến giả thiết ngừng khai thác phần chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và Trung Nam - Thuận Nam).
Đối với nguồn điện mặt trời mái nhà, các tổng công ty điện lực đăng ký sản lượng điện mặt trời mái nhà bán lên lưới năm 2023 là 12,5 tỷ kWh (giả thiết chưa có cơ chế khuyến khích mới). Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu và khả năng hấp thụ của hệ thống, Tập đoàn lập kế hoạch và cân đối sản lượng điện mặt trời mái nhà năm 2023 khoảng 11,94 tỷ kWh.
(Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam)