Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long
Về phía tỉnh Sóc Trăng, dự hội thảo có đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường...
Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên, môi trường; hệ thống đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng; liên kết nội vùng, liên kết vùng với khu vực và quốc tế. Đồng thời, xem xét các nguồn lực của vùng đã và đang được khai thác, các tiềm năng chưa được khai thác; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng. Đặc biệt là vị thế, vai trò của vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với quốc gia; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo các báo cáo, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh. Diện tích toàn vùng chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, đặc biệt là có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; do đó có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Vùng hiện là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, phát triển đô thị chưa thực sự bền vững, theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị còn thấp.
Bên cạnh đó, hội thảo đã chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và phát triển bền vững đô thị và mở ra khả năng học hỏi, áp dụng cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Đặc biệt là chia sẻ việc áp dụng nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các hiểm họa môi trường và tăng cường khả năng phục hồi khí hậu.
Được biết, nằm trong kế hoạch, ngoài hội thảo tại tỉnh Hậu Giang, còn 2 hội thảo nữa sẽ được tổ chức tại Sơn La, Quảng Trị về quản lý rủi ro thiên tai và khí hậu.