Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL
Hôm nay (18/7), tại thành phố Vị Thanh, Ban kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo về Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đây là Hội thảo chuyên đề thứ 3 trong chuỗi hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương cùng với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và các đô thị đại diện cho các vùng tổ chức để góp phần triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 148 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị. Các Hội thảo này cũng nằm trong khuôn khổ của Quỹ Quản lý nước và Tài nguyên thiên nhiên (WARM Facility) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.
ĐBSCL hiện có 174 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt hơn 31%, tăng 4,6% so với năm 2015. Đây là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh các yếu tố tự nhiên, tình trạng ngập lụt tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long còn chịu tác động của một số yếu tố khác như xây dựng đê bao ở thượng nguồn và sụt lún đất, do một số nguyên nhân như đô thị hóa, bê tông hóa và khai thác nước ngầm… quá mức. Những vấn đề, nguyên nhân này cho thấy sự cần thiết phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện, có hệ thống và tính tới toàn lưu vực sông trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị cũng như quản lý rủi ro thiên tai.
Hội thảo lần này tập trung phân tích, làm rõ các nhóm vấn đề như: Mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị vùng ĐBSCL, những nội dung trọng tâm trong công tác quy hoạch và xây dựng đô thị gắn với yêu cầu về chủ động thích ứng và ứng phó có hiệu quả đối với những tác động tiêu cực về môi trường và biến đổi khí hậu. Qua các bài học về thực tế và từ những kinh nghiệm mà các địa phương, các chuyên gia trong, ngoài nước trình bày, Hội thảo đã đề ra các giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng cường khả năng chống chịu ở cấp địa phương đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL.
Theo ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vào năm 2004 khi mới chia tách, tỉnh Hậu Giang có 09 đô thị, đến nay đã phát triển lên 19 đô thị, tróng đó có 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại III và 16 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 30%. Tuy nhiên, Hậu Giang còn rất nhiều điểm yếu kém trong qui hoạch và phát triển đô thị, đặc biệt trong thời gian gần đây biến đổi khí hậu thể hiện rất là rõ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng phát triển đô thị tại địa phương.
“Hội nghị lần này chúng tôi thấy chính những người trong cuộc ngồi lại để điểm lại xem mình yếu kém ở mặt nào và cái nào là không gian có thể mở ra được để chúng ta phát triển chất lượng đô thị được tốt hơn trong thời gian sắp tới. Tôi cũng rất là mừng khi có rất nhiều chuyên gia của các quốc gia có sự tác động của biến đổi khí hậu vừa qua cũng tương tự như chúng ta thì đây là những bài học, những cảnh báo để sắp tới đây chúng ta có những giải pháp tốt hơn để phát triển đô thị bền vững thật sự” - ông Đồng Văn Thanh nói.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quy-hoach-va-phat-trien-do-thi-ben-vung-vung-dbscl-post1033444.vov