Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo 'Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc'.
Ngày 11/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, các đại biểu, chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích về quy hoạch xây dựng đô thị bền vững, tích hợp quản lý rủi ro thiên tai vào quy hoạch đô thị vùng và từng địa phương; nâng cao kiến thức, năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức theo dõi, quản lý lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Hội thảo tập trung vào 3 phần chính, gồm: Chính sách về quản lý rủi ro thiên tai, từ kiến thức đến việc tích hợp rủi ro vào quy hoạch và phát triển lãnh thổ ở Pháp; các ví dụ và thực hành tốt trong việc triển khai các chính sách trên tại các vùng miền núi, ven biển và đồng bằng (cửa sông) điều chỉnh để phù hợp với từng vùng; cách tiếp cận khả năng chống chịu ở cấp địa phương (các công cụ và phương pháp cụ thể được sử dụng ở Pháp để áp dụng cách tiếp cận khả năng chống chịu trong thực tế; tập trung vào các dự án đô thị, công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng và triển khai việc áp dụng cách tiếp cận khả năng chống chịu cho 3 vùng miền đặc thù tương ứng).
Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, hỏi - đáp với các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai trong quy hoạch vùng, nhất là khu vực miền núi phía Bắc; xây dựng cơ chế chính sách quản lý rủi ro thiên tai phù hợp từng vùng miền đặc thù; nghe giới thiệu các giải pháp cụ thể về cải thiện cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh nhấn mạnh, các kết quả khảo sát, nghiên cứu, tài trợ dự án do Cơ quan phát triển Pháp thực hiện tại Sơn La thời gian qua rất cần thiết, cấp bách để giải quyết đồng bộ các vấn đề về phòng, chống ngập úng, lũ lụt; đảm bảo khả năng thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà khoa học, các cơ quan thuộc bộ, ngành Trung ương trong hỗ trợ xây dựng, phát triển đô thị bền vững, tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng nhanh, xanh, bền vững.
Trước đó, các đại biểu đã đến khảo sát thực địa hệ thống thoát nước suối Nặm La, hiện trạng mương thoát nước Chiềng Sinh, Nhà máy xử lý nước thải thành phố Sơn La, khu vực dự kiến trữ nước tạm thời Bom Bay, hố sụt Cao Phạ, vị trí dự kiến đầu ra hầm thoát nước lũ của thành phố Sơn La.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Nghị, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, tình trạng bão lũ, thiên tai tại Sơn La đang có nguy cơ gia tăng bởi nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố lớn nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa. Đối với riêng thành phố Sơn La, dòng suối Nặm La có dòng chảy ngầm nên vấn đề thoát nước của thành phố cần phải được tính toán kỹ để tìm giải pháp phù hợp nhất.
Theo ông Remy Gasset, chuyên gia của Cerema (Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp), những vấn đề tỉnh Sơn La cần quan tâm để quy hoạch gắn với phòng ngừa rủi ro là tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng đến từ các công trình đã xây dựng và áp dụng các giải pháp tốt để phòng rủi ro thấp nhất trong xây dựng những công trình tương lai, nhất là tại các khu đô thị.
Ngoài ra, tỉnh cần có giải pháp nâng cấp, thay thế đối với những công trình giao thông đang có nguy cơ ngập úng cao; nghiên cứu các phương pháp, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của một thành phố miền núi./.