Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Chủ tịch 2 tỉnh nói tư vấn chưa làm việc với địa phương
Tại Hội nghị của Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (lần thứ 2), lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tỏ ra rất bất ngờ về một số nội dung trong quy hoạch vùng được đơn vị tư vấn đưa ra. Chủ tịch 2 tỉnh này cho rằng cho tư vấn chưa làm việc với địa phương nên còn nhiều bất cập trong quy hoạch...
Ngày 11/10, tại TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (lần thứ 2) để lấy ý kiến liên quan đến Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Bất ngờ về nhiều nội dung của báo cáo
Sau khi nghe tư vấn báo cáo về "Quy hoạch vùng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050", nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã góp ý cho Báo cáo do tư vấn đưa ra.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi cho biết: trong 3 năm qua, các địa phương đã dành nhiều thời gian cho quy hoạch. Bởi nếu không có quy hoạch thì sẽ không thể triển khai các công việc tiếp theo, nếu làm mà chưa có quy hoạch thì vi phạm quy định. Do đó, địa phương vừa làm vừa lo, rủi ro rất cao.
Liên quan đến báo cáo quy hoạch vùng, ông Minh cho biết: Đơn vị tư vấn chưa làm việc với địa phương về báo cáo quy hoạch này!
"Chưa làm việc với địa phương thì quy hoạch làm sao đảm bảo chất lượng và tính khả thi. Tôi rất buồn vì đọc báo cáo quy hoạch chẳng thấy nhắc Quảng Ngãi ở đâu. Cập nhật không đầy đủ thì làm sao mà chất lượng được", ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, theo quy định, quy hoạch tổng thể quốc gia trước, rồi mới đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch của tỉnh hiện nay nhiều địa phương đang làm. Để phê duyệt một bản quy hoạch tỉnh phải lấy ý kiến 28 bộ, ngành Trung ương thống nhất và lấy ý kiến các địa phương trong vùng và ban ngành liên quan. Do đó, nếu như quy hoạch vùng không cập nhật quy hoạch các tỉnh thì khi quy hoạch vùng được phê duyệt buộc quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh. Việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh tế xã hội mà địa phương đã đặt ra.
"Đây là việc các địa phương rất trăn trở và lo lắng. Không chỉ tỉnh Quảng Ngãi mà các địa phương khác cũng tha thiết, đề nghị đơn vị tư vấn lập quy hoạch chịu khó cập nhật đầy đủ các nội dung quy hoạch của các tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt vào quy hoạch vùng”, ông Minh nói.
Ông Minh đơn cử, đối với Quảng Ngãi, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định là một trung tâm năng lượng quốc gia nhưng trong quy hoạch vùng không có đề cấp. Trong khi đây là cơ sở chính trị cho việc triển khai làm quy hoạch vùng.
Theo ông Minh quy hoạch là cơ sở để phân bố nguồn lực. Nếu như quy hoạch không rõ ràng, khách quan thì sẽ dẫn đến việc địa phương nào được lợi thế sẽ được phân bổ nguồn lực và ngược lại. Do đó, đơn vị tư vấn cần phải làm việc lại với các địa phương về việc này.
Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Chưa bao giờ làm việc với đơn vị tư vấn nên không rõ thông tin đơn vị tư vấn viết báo cáo lấy từ đâu. Tư vấn hoàn toàn không làm việc với tỉnh khi làm báo cáo quy hoạch này.
"Thông tin đưa ra có cơ sở, có căn cứ nhưng phải làm việc với các địa phương để nắm bắt cụ thể các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã định hướng... Có lẽ do áp lực thời gian nên làm cho có để trình duyệt", ông Thanh cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Quy hoạch tốt đầy đủ sẽ phục vụ cho sự phát triển của vùng, của địa phương nhưng ngược lại nếu chúng ta làm vội vàng, không có cơ sở, nhận định mang tính chủ quan sẽ kìm hãm sự phát triển của các địa phương. Sự kìm hãm phát triển của một địa phương sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cả vùng.
Tiếp tục làm việc với các địa phương để hoàn chỉnh quy hoạch.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Quy hoạch này là vô cùng khó và chúng ta chưa làm bao giờ làm và chưa có tiền lệ. Do đó, đòi hỏi tất cả các địa phương phải cùng tham gia. Tư vấn chỉ đề xuất nhưng quyết định cuối cùng là các địa phương, Hội đồng vùng, Chính phủ và bộ, ngành. Trong đó vai trò các chuyên gia tư vấn rất quan trọng.
Đối với ý kiến của các địa phương liên quan đến tư vấn chưa làm việc về quy hoạch, ông Dũng cho biết: Đã cố gắng nhưng chưa làm việc hết được. Có 14 địa phương, nhưng mới làm việc với 9 địa phương, các địa phương khác chưa kịp làm việc.
"Thời gian sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương, bộ, ngành. Quy hoạch quan trọng nên làm sẽ rất công phu. Tuy nhiên, giữa quy hoạch và trở thành hiện thực là cả một vấn đề", ông Dũng cho biết.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng phê duyệt, sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.
Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bí thư, Chủ tịch của 14 tỉnh thành về cùng bàn bạc, nghiên cứu thêm để đóng góp thiết thực vào quy hoạch vùng. Trong đó, phải xác định được cái gì là của vùng, cái gì là khác biệt của địa phương để phát triển. Phải xác định được các tiềm năng thế mạnh trong vùng để chung tay đầu tư...