Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng theo hình thức '3 cùng'

Hà Nam đã quy hoạch được vùng sản xuất lúa chất lượng theo hình thức '3 cùng', là cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc nên rất thuận lợi trong việc thực hiện cơ giới hóa.

Trong ảnh: Xếp mạ vào máy cấy. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Trong ảnh: Xếp mạ vào máy cấy. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Lúa là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Nam. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh đã chọn lọc, đưa vào sản xuất nhiều giống lúa chất lượng. Hiện lúa chất lượng của tỉnh đạt hơn 45% diện tích. Phương thức sản xuất lúa cũng có nhiều đổi mới theo hướng tập trung, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 76 cánh đồng mẫu với diện tích hơn 2.000 ha. Các cánh đồng mẫu được quy hoạch gọn vùng và sản xuất lúa chất lượng theo hình thức “3 cùng”, đó là cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc nên rất thuận lợi trong việc thực hiện cơ giới hóa. Giá trị sản xuất trong cánh đồng mẫu đạt 140-150 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 lần so với giá trị sản xuất chung của tỉnh.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân cho biết: Xã Nhân Mỹ đã xây dựng được 9 cánh đồng mẫu; trong đó, 2 cánh đồng có quy mô 30 ha/cánh đồng, 7 cánh đồng có quy mô 7-15 ha/cánh đồng. Năng suất lúa trong cánh đồng mẫu đạt hơn 120 tạ/ha/năm, tăng khoảng 7% so với sản xuất bên ngoài của người dân. Hợp tác xã tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cánh đồng mẫu với doanh nghiệp với giá ổn định nên bà con xã viên rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Cùng với lúa, gạo các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Nam gồm: thịt lợn; thịt và trứng gia cầm; sản phẩm thủy sản (cá trắm, cá chép, cá lăng); quả các loại (cây có múi, chuối, nhãn, vải lai u trứng ); rau, củ, quả (dưa chuột xuất khẩu, bí xanh, bí đỏ, bắp cải, dưa lưới). Nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035; Nghị quyết số 15-NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án. Kết quả, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản của tỉnh Hà Nam những năm gần đây phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,7%/năm. Đàn lợn duy trì khoảng 400.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 71.000 tấn/năm; đàn gia cầm gần 9 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 25.000 tấn/ năm. Về nuôi trồng thủy sản chủ lực là cá trắm, cá chép nuôi ghép trong ao tổng diện tích đạt khoảng 5.500 ha, sản lượng đạt hơn 11.000 tấn/ năm; cá lăng nuôi trong lồng bè trên sông Hồng và một số ao nuôi với sản lượng 1.500 - 1.800 tấn/ năm. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn Hà Nam, chăn nuôi được xác định là hướng đi chủ lực góp phần quan trọng vào giá trị và tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh. Để chăn nuôi ổn định và phát triển, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi phương thức theo hướng trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, theo vùng và theo quy hoạch. Đàn lợn được chuyển sang nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại; áp dụng quy trình nuôi khép kín, phát triển đàn lợn nái sản xuất con giống để nuôi lợn thịt. Đàn gia cầm cũng chủ yếu nuôi quy mô tập trung, hạn chế nuôi nhỏ lẻ tại hộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục trang trại chăn nuôi từ 5 – 7 nghìn con gia cầm/lứa trở lên. Nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm địa phương. Đến nay, gần 20 sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP trong tỉnh được bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, gần 50 sản phẩm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tỉnh hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử và hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.

Ông Trần Khắc Năm, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân cho biết, gia đình ông sản xuất chuối ngự Đại Hoàng từ nhiều năm nay với diện tích khoảng 8 sào Bắc bộ trồng gần 500 gốc chuối. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, chuối ngự Đại hoàng đã được nhiều người tiêu dùng tin tưởng hơn. Sản phẩm chuối ngự Đại hoàng thường “cung không đủ cầu”, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, giá thành cao nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, đón nhận.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, một số sản phẩm mà Hà Nam chọn làm sản phẩm chủ lực chưa thực sự có lợi thế cạnh tranh mạnh về quy mô, sản lượng. Trong các sản phẩm chủ lực của Hà Nam có nhiều sản phẩm mà các địa phương khác cũng chọn làm sản phẩm chủ lực. Chủ thể sản xuất sản phẩm đa phần là hộ gia đình, hợp tác xã nên quy mô nhỏ, năng lực quản trị và khả năng liên kết theo chuỗi giá trị còn yếu, khâu phân phối và tiếp thị sản phẩm ra thị trường hạn chế, nhiều sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác…

Thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển bền vững; xây dựng chiến lược cụ thể cho từng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực về mục tiêu phát triển, quy hoạch vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất và chế biến nông sản, tăng cường tham gia liên kết vùng, chuỗi cung ứng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nguyễn Chinh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quy-hoach-vung-san-xuat-lua-chat-luong-theo-hinh-thuc-3-cung/335706.html