Quy hoạch, xây dựng Gia Lai thành điểm đến di sản

Vùng đất có nhiều di sản văn hóa nhưng Gia Lai thiếu quy hoạch, đầu tư xứng tầm để trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 28-4, GS-TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa quốc gia cùng đoàn chuyên gia về di sản văn hóa có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về khuyến nghị của UNESCO đối với di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt và bảo vệ quốc gia.

Hội đồng di sản văn hóa quốc gia làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về di sản văn hóa. Ảnh: LK

Hội đồng di sản văn hóa quốc gia làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về di sản văn hóa. Ảnh: LK

Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai, về di sản văn hóa vật thể, đến nay toàn tỉnh có 33 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng. Trong đó, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; tám di tích quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh. Gia Lai có phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên được công nhận là bảo vật quốc gia. Tỉnh Gia Lai đã thực hiện kiểm kê được 456 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể.

Theo GS-TS Lưu Trần Tiêu, với lợi thế tiềm năng di sản to lớn của mình, Gia Lai cần biến điều đó thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội; hướng đến xây dựng Gia Lai thành điểm đến di sản ở Tây Nguyên.

Ông Tiêu cho rằng vấn đề là làm sao vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị các di sản văn hóa. Hiện nay, xu hướng chung của thế giới quan tâm đến hệ sinh thái các khu di tích, cần có sự đa dạng, hấp dẫn mới thu hút khách tham quan.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, di tích Đá cũ ở An Khê có tầm cỡ khu vực và thậm chí là thế giới. Đây là di tích thứ hai ở châu Á và số 1 ở Đông Nam Á về đá cũ sơ kỳ, để nói lên bình minh tiền sử Đông Nam Á và thế giới. Các chuyên gia kiến nghị nâng cấp hình thức từ di tích cấp quốc gia lên cấp di tích quốc gia đặc biệt.

Cồng chiêng Tây Nguyên đang được bảo tồn, phát huy. Ảnh: LK

Cồng chiêng Tây Nguyên đang được bảo tồn, phát huy. Ảnh: LK

Để nâng cao công tác bảo tồn, mang di sản đến gần với công chúng, các chuyên gia đều cho rằng vấn đề quan trọng nhất là kinh phí. Thực tế cho thấy, nhiều vùng di chỉ, di sản tầm cỡ đều được đầu tư rất lớn về kinh phí phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn. Vấn đề quan trọng khác cần có quy hoạch dài hơi, như vậy mới có hướng đi đúng đắn, bền vững.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản; ứng dụng công nghệ số… cũng được các chuyên gia quan tâm. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân cũng cần xem xét lại, góp phần duy trì đội ngũ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh sẽ quy hoạch lại đối với các di tích để có hướng bảo tồn, phát triển tốt hơn.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-hoach-xay-dung-gia-lai-thanh-diem-den-di-san-post677845.html