Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ý Yên theo hướng phát triển đa ngành

Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hiện trạng, tổ chức tổng thể không gian vùng huyện, huyện Ý Yên được phân thành 3 tiểu vùng phát triển, kết nối với nhau bởi trục hành lang phát triển dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 10, Quốc lộ 37C. Không gian vùng phía bắc huyện lấy đô thị Bo làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Huyện Ý Yên nằm ở phía tây nam của tỉnh, tiếp giáp với Thành phố Ninh Bình, cách Thành phố Nam Định trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh hơn 20km; là thị trường lớn để giao lưu, tiêu thụ hàng hóa, trao đổi kỹ thuật công nghệ. Ngoài đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đi qua các xã phía tây của huyện, có đường sắt Bắc - Nam đi qua và các tuyến Quốc lộ như: 10, 38B, 37B, 37C; phà Đống Cao nằm trên Quốc lộ 37B nối với huyện Nghĩa Hưng. Đó là những tiềm năng, lợi thế để xây dựng huyện Ý Yên là một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế - xã hội cực phía tây của tỉnh; là vùng phát triển kinh tế đa ngành, trong đó thế mạnh là phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… Để phát huy được những tiềm năng đó, huyện Ý Yên đã lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được UBND tỉnh phê duyệt.

Khu vực trung tâm Thị trấn Lâm (Ý Yên).

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự báo tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện đến năm 2030 đạt 30%. Trong đó, ngoài đô thị huyện lỵ loại V là Thị trấn Lâm sẽ có các đô thị thành lập mới theo lộ trình các giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hiện trạng, tổ chức tổng thể không gian vùng huyện, huyện Ý Yên được phân thành 3 tiểu vùng phát triển, kết nối với nhau bởi trục hành lang phát triển dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 10, Quốc lộ 37C. Không gian vùng phía bắc huyện lấy đô thị Bo làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính (cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 37C và các trục huyện lộ, đường xã). Đây là khu vực phát triển sản xuất nông nghiệp trọng điểm (các cánh đồng lớn trồng lúa và khu vực trồng cây màu công nghệ cao) kết hợp phát triển sản xuất công nghiệp với Khu công nghiệp Trung - Thành (thuộc các xã Yên Trung, Yên Thành), Cụm công nghiệp Yên Chính và các làng nghề (thêu ren, đan nón) của xã Yên Trung. Khu vực trung tâm huyện lấy Thị trấn Lâm kết hợp với đô thị thành lập mới (thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến) làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính (cao tốc Bắc - Nam; các quốc lộ 10, 37B, 37C, 38B và các trục tỉnh lộ, huyện lộ). Đây là khu vực phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ với Khu công nghiệp Hồng Tiến (thuộc các xã Yên Hồng, Yên Tiến); các cụm công nghiệp, làng nghề và cụm đô thị kết hợp với hệ thống các trung tâm thương mại, cửa hàng dịch vụ gắn với các trục giao thông lớn. Vùng phía nam huyện lấy đô thị Yên Đồng kết hợp với đô thị Đống Cao làm hạt nhân phát triển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính là Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 490B và các trục huyện lộ. Khu vực này chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ với các cánh đồng chuyên màu tập trung, các khu vực trồng cây công nghệ cao và hệ thống thương mại, dịch vụ tập trung ở các đô thị. Ngoài ra, quy hoạch cũng đề ra mục tiêu xây dựng khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và công nghiệp. Tận dụng lợi thế về giao thông đường bộ do xây dựng tuyến đường trục kết nối trung tâm huyện, tại khu vực hai bên đường sẽ quy hoạch phát triển đô thị, trung tâm thương mại dịch vụ và phát triển sản xuất công nghiệp với quy mô khoảng 500ha làm động lực phát triển cho khu vực trung tâm và toàn huyện Ý Yên trong phạm vi gồm một phần diện tích đất nông nghiệp của Thị trấn Lâm và các xã Yên Ninh, Yên Xá, Yên Dương. Về các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tại Thị trấn Lâm, nút Cao Bồ và đô thị Bo bao gồm các chức năng: sản xuất công nghiệp (chế tạo nông cụ và phát triển công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất chuyên canh); thương mại - dịch vụ (kinh doanh nông sản hàng hóa và vật tư nông nghiệp gắn với chế biến, bảo quản và dịch vụ kho, bãi); dịch vụ sản xuất nông nghiệp (khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng); dịch vụ thị trường (thông tin, phân tích, dự báo thị trường; xúc tiến thương mại; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chất lượng…). Định hướng phát triển nông - lâm - thủy sản: quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa thông qua thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2030 ngành Nông nghiệp của huyện phát triển bền vững trên cả 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Định hướng phát triển sản xuất công nghiệp: tập trung đầu tư phát triển công nghiệp - xây dựng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động trong nông thôn; tập trung phát triển các ngành công nghiệp huyện có lợi thế như: cơ khí, chế biến gỗ, dệt may. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung gồm: Khu công nghiệp Hồng Tiến quy mô 150ha (tập trung phát triển các ngành: cơ khí nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may); Khu công nghiệp Trung Thành với quy mô 200ha (chủ yếu phát triển các ngành: chế biến nông sản, thực phẩm; lắp ráp điện tử, điện lạnh; cơ khí nông nghiệp; sản xuất hàng tiêu dùng và dệt may); phát triển 10 cụm công công nghiệp trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và giai đoạn sau năm 2025 thành lập thêm Cụm công nghiệp Yên Thọ quy mô 20ha.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ý Yên được phê duyệt tạo cơ sở để huyện và các xã, thị trấn cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu vào các chương trình, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng khung có định hướng trên địa bàn, tự tin bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao với đồng bộ các mũi phát triển: công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp sinh thái bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5104/201907/quy-hoach-xay-dung-vung-huyen-y-yen-theo-huong-phat-trien-da-nganh-2531885/