Quý I/2022: Lao động có việc làm tăng nhanh nhưng thiếu bền vững
Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2022, tình hình lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn thiếu sự bền vững do số người có việc làm tăng nhanh nhưng chủ yếu ở khu vực phi chính thức.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý I/2022 diễn ra vào sáng 12/4, ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhờ đó, kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Trên cơ sở nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường lao động của Việt Nam trong quý I/2022 đã dần phục hồi trở lại. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I/2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, đặc biệt là lao động trong ngành dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh. Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 vùng kinh tế, các khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên là 3 vùng tình hình lao động, việc làm có nhiều khởi sắc nhất.
Trong tổng số 50 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. Lao động trong khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, với 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.
“So với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 426,8 nghìn người và 192,2 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 82,7 nghìn người” – Tổng cục Thống kê thông tin.
Thu nhập bình quân của người lao động trong quý I là 6,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam tăng gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng người/tháng so với 5,4 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập bình quân của lao động của khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng/người/tháng so với 5,5 triệu đồng/người/tháng).
Đánh giá về tình hình lao động, việc làm quý I/2022, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, thị trường lao động đã dần sôi động trở lại, số lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã giảm 7,8 triệu người, nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các ngành kinh tế.
Cụ thể, lao động việc làm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 24,2%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 16,5%, tương ứng là 1,5 triệu đồng…
Mặc dù có nhiều khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước, nhưng theo ông Phạm Hoài Nam, bức tranh lao động, việc làm trong quý I/2022 vẫn thiếu sự bền vững, do số lao động có việc làm tăng nhanh, nhưng chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Trong khi đó, lao động trong các ngành nông-lâm nghiệp và công nghiệp - xây dựng lại giảm so với quý trước.
Theo dự báo của ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, quý II/2022, trước bối cảnh kinh tế thế giới, tiếp tuc gặp khó khăn do tác động của bất ổn chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiên tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nền kinh tế dần mở cửa trở lại, do đó tình hình lao động, việc làm trong được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc.
Dù vậy, để thị trường lao động, việc làm phát triển bền vững, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, những tháng tới đây, Việt Nam vẫn cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Cùng với đó, triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản, tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các chương trình chính sách phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tổng cục Thống kê: Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường. Đây cũng là lý do, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I/2022 đã giảm 489,5 nghìn người so với quý trước.
Nguyễn Hòa