Quý I năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội tăng 46,5% so với cùng kỳ năm ngoái
Quý I-2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,528 triệu lượt khách, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Chiều 28/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2024. Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chủ trì họp báo.
Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 3 tháng đầu năm là 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ. GRDP quý I-2024 tăng 5,5% (thấp hơn cùng kỳ năm 2023), các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ quý I-2024 thấp hơn cùng kỳ.
Quý I-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 199,651 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 129,285 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Quý I-2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,528 triệu lượt khách, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023. CPI bình quân 3 tháng đầu năm nay tăng 5,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong 3 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20-3-2024), thành phố thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI (tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm, có 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 66.157 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội là 384.299 doanh nghiệp.
Tổng vốn đầu tư xã hội quý I-2024 ước đạt 86.550 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn nhà nước tăng 10%; Vốn ngoài nhà nước tăng 8,2%; Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 4,4%
Thời gian qua, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Quy hoạch lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho thành phố, đó là: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Các di tích của Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhân dân và khách tham quan du lịch trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn; đón hơn 861.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 52,6 tỷ đồng. Đến nay, đã có gần 500 lễ hội được tổ chức, đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, đúng quy định.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Hoạt động thể dục thể thao phong trào tiếp tục phát triển, Thành phố đã tổ chức 256 hoạt động thể dục thể thao; lắp đặt 22 điểm tập luyện mẫu tại 16 quận, huyện.
Thành phố tích cực triển khai tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Thành phố đã hoàn thành việc đánh giá chấm điểm Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023; Chỉ số Cải cách hành chính trung bình cả hai khối sở và khối huyện đều tăng so với năm 2022.
Nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo, Hà Nội sẽ triển khai công tác xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Hà Nội cũng tập trung hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua; Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thành phố tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) thiết thực, ý nghĩa gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và chủ đề công tác năm 2024 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".