Quý II/2025: Thủy điện hưởng 'mùa vàng' lợi nhuận, nhiệt điện lép vế

Quý II/2025 cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa hai nhóm doanh nghiệp thủy điện và nhiệt điện. Trong khi thủy điện khẳng định ưu thế vượt trội về chi phí, sản lượng và lợi nhuận nhờ thời tiết thuận lợi, thì nhiệt điện lại cho thấy dấu hiệu khó khăn do chi phí đầu vào cao và sự thay đổi trong cơ cấu huy động điện quốc gia.

Thủy điện Hương Sơn (GSM) có lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2025 tăng 1.092% so với cùng kỳ

Thủy điện Hương Sơn (GSM) có lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2025 tăng 1.092% so với cùng kỳ

Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ tại nhiều doanh nghiệp thủy điện

Báo cáo tài chính quý II/2025 của hàng loạt doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cho thấy bức tranh tăng trưởng tích cực, đặc biệt nổi bật là nhóm doanh nghiệp thủy điện. Nhờ thời tiết mưa nhiều, lượng nước về hồ dồi dào, sản lượng huy động điện tăng mạnh đã giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể, tạo điểm sáng trong bức tranh chung của ngành điện và năng lượng.

Theo EVN, cơ cấu huy động nguồn điện trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục phản ánh rõ nét xu thế chuyển dịch và tối ưu vận hành: Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò trụ cột với sản lượng 84,6 tỷ kWh, chiếm 54,3%; Thủy điện đóng góp 36,5 tỷ kWh (23,4%), đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn đầu mùa mưa, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Quan sát bức tranh tài chính hầu hết doanh nghiệp thủy điện cho thấy đa phần kết quả kinh doanh đều khởi sắc. Top doanh nghiệp thủy điện tăng trưởng lãi đột biến, gồm: Thủy điện Buôn Đôn (BSA) với lợi nhuận trước thuế quý II tăng tới 1.400% lên mức 45 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty lãi trước thuế 54 tỷ đồng, tăng 1.477%, do sản lượng sản xuất điện tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư Điện lực 3 (PIC) cũng có mức tăng trên 1000% khi lợi nhuận trước thuế trong quý tăng vượt trội so với nền thấp của quý II/2024 với chỉ hơn 1 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PIC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 37 tỷ đồng, tăng 164%. Thủy điện Hương Sơn (GSM) có lãi trước thuế quý II tăng 834% và 6 tháng đầu năm 2025 tăng 1.092% so với cùng kỳ.

Top tăng cao thứ hai có thể kể đến Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHM) lợi nhuận trước thuế đạt 312 tỷ đồng trong quý II, tăng 60% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 101%. Thủy điện A Vương (AVC) lợi nhuận quý II đạt 36 tỷ đồng, tăng 39%, 6 tháng đạt 56 tỷ đồng, tăng 27%.

Thủy điện Hủa Na (HNA), Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH), Thủy điện Sê San 4A(S4A) cũng chuyển từ lỗ cùng kỳ năm trước sang lãi 6 tháng đầu năm.

Điểm chung của các doanh nghiệp này là đều nằm ở các khu vực miền Trung và Tây Nguyên – nơi có lượng mưa lớn trong quý II/2025, khiến sản lượng thủy điện được huy động tối đa.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành điện, quý II/2025 chứng kiến tình trạng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt tại các lưu vực sông lớn. Điều này giúp các hồ thủy điện có mực nước cao, đảm bảo vận hành các tổ máy ở công suất tối ưu, từ đó giúp sản lượng điện phát ra tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhiệt điện gặp khó do giảm huy động

Trái ngược với thủy điện, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện (bao gồm than và khí) ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực hơn trong quý II do sản lượng, giá bán bị cạnh tranh bởi thủy điện trong khi giá than, khí, LNG vẫn duy trì ở mức cao: Nhiệt điện Hải Phòng (HND) ghi nhận giảm 8% lợi nhuận trước thuế trong quý II/2025 xuống còn 269 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng không có tăng trưởng. Nhiệt điện Phả Lại (PPC) giảm mạnh 94% lợi nhuận trước thuế quý II và 73% trong 6 tháng còn 73 tỷ đồng. Nhiệt điện Bà Rịa giảm đến 115% lợi nhuận trước thuế quý vừa qua và giảm 13% trong lũy kế 6 tháng… Trong bức tranh chung, Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) đi ngược chiều khi ghi nhận lãi tăng 32% trong quý II lên 238 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng tăng nhẹ 5% đạt 454 tỷ đồng.

Nguyên nhân phần lớn doanh nghiệp nhiệt điện bị lép vế vì chịu áp lực kép vừa bị giảm huy động do thời tiết mưa nhiều, vừa chịu biến động giá thị trường điện cạnh tranh khi có nhiều nguồn rẻ như thủy điện được huy động, giá điện bình quân trên thị trường giảm, gây bất lợi cho các nhà máy có chi phí cao như nhiệt điện.

Trong bối cảnh thời tiết tiếp tục ủng hộ, nhiều tổ chức phân tích dự báo triển vọng tích cực cho nhóm thủy điện sẽ còn tiếp tục trong quý III, các doanh nghiệp thủy điện cũng đang nỗ lực cải thiện hiệu suất vận hành, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp công suất nhằm tận dụng nguồn nước hiệu quả hơn. Việc tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm cũng tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị này có thêm nguồn lực tái đầu tư hoặc chi trả cổ tức ổn định cho cổ đông.

Nhiệt điện có thể được huy động nhiều hơn vào cuối năm khi thủy văn giảm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận có thể chưa phục hồi rõ rệt nếu giá nhiên liệu chưa hạ nhiệt. Ngoài ra, áp lực từ năng lượng tái tạo và cơ chế đấu thầu giá điện (PPA) mới đang khiến các doanh nghiệp này phải tái cấu trúc để duy trì cạnh tranh.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/quy-ii2025-thuy-dien-huong-mua-vang-loi-nhuan-nhiet-dien-lep-ve-730433.html