Quý III/2020: Nhiều dấu hiệu khởi sắc, GDP tăng 2,62%

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2020 của nước ta vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,12%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương.

GDP tăng thấp nhất 9 tháng năm 2011 - 2020

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 sáng ngày 29/9, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, GDP quý III ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tính chung, 9 tháng năm nay, kinh tế đạt mức tăng trưởng 2,12%.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 1,81%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế” - bà Nguyễn Thị Hương đánh giá.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 9 tháng. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 4,6% - mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020, còn ngành khai khoáng giảm 5,35% do sản lượng khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm.

Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) - cho rằng, tăng trưởng ngành chế biến chế tạo 4,6% là điểm sáng, bởi hầu hết ngành công nghiệp các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm. Ngoài ra, do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế nước ta đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Một dấu hiệu khởi sắc trong bức tranh kinh tế chung 9 tháng đầu năm 2020 chính là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Cũng trong 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. “Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam” - ông Phạm Đình Thúy cho hay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%; trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%. Khu vực kinh tế trong nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng cao 20,2%, nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu với mức 16,99 tỷ USD.

Ngoài ra, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Tiếp đà tăng trưởng trong quý IV

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương, Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng khá hơn trong quý IV và tăng trưởng cả năm đạt mức 2 - 3% là khả thi nhờ những yếu tố: kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam. Tình hình đầu tư công đến nay mới giải ngân được gần 60% nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành nên giải ngân mạnh đầu tư công trong quý IV/2020 là rất lớn.

Cùng với đó, Việt Nam đã trải qua 3 tuần không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới và đang xem xét khả năng mở lại các đường bay quốc tế và trong nước theo phương án an toàn. Từ đó cho thấy tiềm năng các ngành vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng, nghệ thuật, vui chơi giải trí sẽ gia tăng mạnh vào dịp cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi nền kinh tế, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể so với kế hoạch đề ra thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách để triển khai ngay trong năm, nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế” - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-iii2020-nhieu-dau-hieu-khoi-sac-gdp-tang-262-144600.html