Quý IV/2022, lợi nhuận Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tăng 29,6%, lên 42,65 tỷ đồng
CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán TNH - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu tăng 20,5% và lợi nhuận tăng 29,6% trong quý cuối năm 2022.
Quý IV/2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ghi nhận doanh thu đạt 125,23 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 42,65 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 47,2% lên 47,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 20,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 10,27 tỷ đồng, lên 59,36 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 21,7%, tương ứng giảm 2,18 tỷ đồng, về 7,88 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 40%, tương ứng tăng thêm 2,15 tỷ đồng, lên 7,53 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong năm 2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ghi nhận doanh thu đạt 463,26 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 141,12 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 433 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 150 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận đạt 141,12 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 94,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ghi nhận dương 192,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 304,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 224,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 27,4 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tăng 8,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 108,3 tỷ đồng, lên 1.394,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 995,7 tỷ đồng, chiếm 71,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 103,7 tỷ đồng, chiếm 7,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong năm 2022, biến động mạnh chủ yếu lượng tiền mặt giảm 44,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 59,79 tỷ đồng, về còn 73,78 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng 116,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 55,8 tỷ đồng, lên 103,7 tỷ đồng…
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 5,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 27,4 tỷ đồng về 440,3 tỷ đồng và chiếm 31,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, 248,6 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và còn lại 181,7 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Giải thể hai công ty liên kết
Công ty cho biết, hai công ty liên kết là CTCP Bệnh viện Mắt Quốc tế TNH (được thành lập để thực hiện dự án Bệnh viện Mắt Quốc tế TNH) và CTCP Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên (được thành lập để thực hiện dự án Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên) đã nộp hồ sơ giải thể.
Hiện tại, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã thu hồi số tiền góp vốn mua cổ phần của hai công ty liên kết để chuyển sang góp tiền mua cổ phần CTCP Bệnh viện TNH Lạng Sơn.
Trong khi đó, hai dự án Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên sẽ do Công ty tiếp tục nghiên cứu triển khai.
Tính tới 30/9/2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đang đầu tư 43,2 tỷ đồng vào CTCP Bệnh viện Sản nhi Quốc tế TNH và 31,5 tỷ đồng vào CTCP Bệnh viện mắt Quốc tế TNH.
Ở một diễn biến khác, Công ty thông qua việc góp vốn đầu tư thành lập pháp nhân liên kết để đầu tư Dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn tại Khối 10, đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Trong đó, dự án quy mô 9.363,46 m2, công suất thiết kế 300 giường bệnh với tổng vốn đầu tư 570 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ năm 2023 đến năm 2027.
Được biết, pháp nhân triển khai dự án là CTCP Bệnh viện TNH Lạng Sơn, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chỉ sở hữu 48% vốn điều lệ (96 tỷ đồng) tại pháp nhân này, còn lại là các cá nhân, pháp nhân khác.
Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người có liên quan giảm dần
Cổ phiếu TNH được niêm yết trên HoSE từ tháng 1/2021, giá dao động phổ biến quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu cho đến hết tháng 7/2021, sau đó liên tục tăng mạnh, đạt trên 50.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 11/2021, rồi giảm xuống 43.600 đồng/cổ phiếu khi kết thúc năm 2021.
Gần đây, cổ phiếu này dao động quanh mức 38.800 đồng/cổ phiếu nếu tính theo giá đóng cửa ngày 27/1/2023.
Trong năm 2021, nhiều lãnh đạo và người thân của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên liên tục bán ra cổ phiếu, tổng cộng 4,573 triệu đơn vị, tương đương 11% vốn điều lệ (thời điểm đó là 415 tỷ đồng).
Trong đó, ông Nguyễn Xuân Hiệp, con ông Nguyễn Xuân Đôn, thành viên Hội đồng quản trị bán ra toàn bộ 1,8 triệu cổ phiếu; bà Phùng Thị Thông, vợ ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc bán toàn bộ 1.245.000 cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Thùy Linh, con ông Nguyễn Xuân Đôn bán toàn bộ 708.000 cổ phiếu; ông Hoàng Thao, anh ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán 500.000 cổ phiếu, còn 500.000 cổ phiếu…
Trước khi niêm yết, một loạt cổ đông nội bộ và người có liên quan Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã bán ra cổ phiếu TNH, giảm tỷ lệ sở hữu trong năm 2020.
Cụ thể, bà Phạm Thị Hiền bán toàn bộ 1,3 triệu cổ phiếu; ông Hoàng Khắc Tiệp bán toàn bộ 1,35 triệu cổ phiếu; bà Vũ Thị Hân bán toàn bộ 1,37 triệu cổ phiếu; ông Lâm Tuấn Kiệt bán 1,24 triệu cổ phiếu, còn 1,36 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Ngọc Thu bán 2,2 triệu cổ phiếu, còn 1,55 triệu cổ phiếu…
Trong Bản cáo bạch trước niêm yết năm 2020, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 9,64% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Thủy, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc sở hữu 5,65% vốn điều lệ.
Tính tới 30/6/2022, danh sách cổ đông lớn của Công ty có 3 cổ đông lớn gồm ông Hoàng Tuyên sở hữu 9,64% vốn điều lệ; Kwe Deteiligungen AG sở hữu 8,77% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Thủy sở hữu 5,65% vốn điều lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/1, cổ phiếu TNH tăng 1.400 đồng lên 38.800 đồng/cổ phiếu.