Quý lắm những tấm chân tình…

Cuộc thi Tác phẩm báo chí về chủ đề 'Tôi yêu Bình Dương lần 2 - 2023' do Báo Bình Dương tổ chức đã dần bước vào ngày cuối tiếp nhận tác phẩm dự thi. Đến thời điểm này, Ban Tổ chức cuộc thi đã tiếp nhận hơn 700 tác phẩm dự thi ở các thể loại bài viết cảm nhận, video clip và podcast. Các tác phẩm đã dành cho vùng đất hiền hòa Bình Dương những tình cảm thân thương, đậm sâu nhất.

Người dân phường An Phú, TP.Thuận An theo dõi Chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương thực hiện để tham gia cuộc thi. Ảnh: MINH HIẾU

Tiếng lòng với quê hương thứ hai

Như nhiều người khác, anh Trương Thế Vinh ở phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một đã nhận Bình Dương là quê hương thứ hai của mình. Trong một chiều của tháng 10, anh Vinh đã nhắn cho tôi, người mà anh đã quen từ nhiều năm trước để hỏi email gửi bài cộng tác và tôi đã gợi ý cho anh tham gia cuộc thi tác phẩm báo chí về chủ đề “Tôi yêu Bình Dương” lần 2 - 2023 do Báo Bình Dương tổ chức. Anh đã háo hức viết về Bình Dương với tình yêu dành cho mảnh đất miền Đông đầy nghĩa tình, đầy sức sống và luôn nhìn về những giá trị hiện đại.

Với anh Vinh, Bình Dương đã cho anh nhiều điều suôn sẻ trong cuộc sống. Đó là cái tình của người bản xứ đối đãi với tha nhân từ ly nước khi lỡ đường, sự chia sẻ từ nải chuối, trái mít cho đến những loại giấy tờ cho việc xây dựng nhà, nhập hộ khẩu, hay cho nợ thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất nhanh và ấm áp. Đó là lối sống xóm giềng tối lửa tắt đèn, nghĩa tử là nghĩa tận. Đã 10 năm an cư lập nghiệp tại đây, vợ chồng anh đã có cuộc sống bình an và hạnh phúc.

“Bạn biết đó, khi bạn xa quê để an cư lập nghiệp thì điều bạn mong mỏi nhất là sự bình an, công ăn việc làm phong phú, đa dạng và tình làng, nghĩa xóm ấm áp; cùng với đó là những trăn trở thay đổi để phù hợp xu hướng cuộc sống mới văn minh, hiện đại, nhân văn hơn. Và Bình Dương đã cho tôi điều đó”, anh Vinh bộc bạch.

Tình người còn mãi…

Với chị Nguyễn Thị Đoàn, cán bộ đề án Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, chị tham gia cuộc thi với tác phẩm viết về tình người trong cuộc chiến thầm lặng với dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Trong thời điểm cam go quyết định sự thành bại của cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, toàn TP.Dĩ An thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp “đông cứng khóa chặt”. Thành phố cách ly với thành phố, nhà cách ly nhà, ngõ cách ly ngõ, ai ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó. Đây là giai đoạn “nội bất xuất ngoại bất nhập”, các gia đình lúc này chỉ sống và sinh hoạt dựa vào những nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ được trước đó. Trước tình hình đó, nơi đây đã xuất hiện những tình nguyện viên đi chợ thay dân. Khi người dân cần là lực lượng hỗ trợ này sẵn sàng đi chợ dùm và tiếp ứng kịp thời theo nhu cầu của từng người, từ lương thực, thực phẩm cho tới thuốc men, đồ dùng sinh hoạt thường ngày.

Bên cạnh đó, Dĩ An cũng còn có rất nhiều nhà hảo tâm đã tự mình bỏ tiền cá nhân để mua lương thực, thực phẩm mang đến các khu cách ly để phát cho người dân với mong muốn “lá lành đùm lá rách”, hỗ trợ người dân trên địa bàn thành phố có thêm nghị lực, thêm niềm tin để chiến đấu với dịch bệnh. Chị kể những chuyện này và chị thấy tự hào vì “đã là một người dân Dĩ An, Bình Dương”.

Người luôn hết lòng… khen Bình Dương

Thầy thuốc Ưu tú Lê Hưng với bút danh Lê Hưng - VKD dù đã nghỉ hưu nhưng luôn đồng hành Báo Bình Dương qua từng bài cộng tác, từng bài viết của những tác giả mà ông tâm đắc.

Ông cho biết ông sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1939. Thời học sinh, mỗi dịp hè, ông và bạn bè rủ nhau đi xe đạp lên Lái Thiêu chơi. “Chúng tôi vào các vườn cây trái ở đây mua măng cụt ăn thỏa thê. Lúc ra về còn lủng lẳng treo trái sầu riêng mang về làm quà. Lâu lâu chúng tôi được thầy cô dẫn đi “dã ngoại” các cửa hàng trưng bày tranh sơn mài Trần Hà, Thành Lễ... ở Thủ Dầu Một hoặc xuôi theo Quốc lộ 13 cũ đến tham quan các lò gốm sứ ở Hưng Định, TP.Thuận An hay ở Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, có khi vào tận Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên. Để lại nhiều ấn tượng với các ngôi chùa như Hội Khánh, miếu bà Thiên Hậu Thánh Mẫu ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Sau này khi đã làm giáo viên tại trường An Mỹ (nay thuộc phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) từ năm 1960, tôi càng thương mến, gắn bó với vùng đất này”.

Ông Lê Hưng còn cho biết ông quý Bình Dương bởi qua khoảng 50 năm hành nghề đông y, ông học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm chữa bệnh và châm cứu của các y sĩ nổi tiếng như các cụ Út Nếp, Võ Văn Chẩm, Kỉnh Bưng Cầu, Chín Ngôn, Vương Sanh, Huỳnh Văn Tâm... Bình Dương còn là nơi áp dụng phương pháp Nhu châm (catgutopuncture) sớm nhất từ năm 1973, sau đó lan tỏa ra các tỉnh, thành khác trong thập niên 80 - 90 thế kỷ trước. Bây giờ toàn quốc đều áp dụng… Ông Lê Hưng cho rằng có quá nhiều điều hay về vùng đất và con người Bình Dương mà qua cuộc thi sẽ quảng bá rộng rãi hơn cho nhiều người được biết.

Ban Tổ chức sẽ trao thêm giải thưởng cho các đơn vị, cá nhân có những đóng góp tích cực, có đề xuất mới, độc đáo, khơi gợi được tình yêu Bình Dương thể hiện trong tác phẩm tham gia cuộc thi.

TRẦN QUỲNH NHƯ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/quy-lam-nhung-tam-chan-tinh--a309784.html