Quy luật phát triển tất yếu, khát vọng và lựa chọn của Nhân dân
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam chúng ta đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn. Đây là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đó là sự đổi mới tư duy lý luận về Nhà nước của Đảng ta, từ tư duy lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đã nhận định như vậy tại Hội thảo cấp quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” diễn ra sáng qua tại Hà Nội.
Ảnh: Anh Phương
Giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền - tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam
Trên thế giới, “nhà nước pháp quyền” là vấn đề không mới. Đây là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định hàng trăm năm qua.
Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập quốc, trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng và những giá trị đó cũng được thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của đất nước.
Theo GS. TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, suốt 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 30 năm tìm đường cứu nước, 24 năm liền ở cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề lý luận và thực tiễn, nhất là những vấn đề về kiểm tra, kiểm sát từ cơ sở đến Trung ương để bảo đảm quyền lực nhà nước không bị tha hóa.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, Người nhấn mạnh vai trò của Nhân dân trên tư cách người chủ và địa vị làm chủ; nhấn mạnh vai trò của pháp luật - “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Dấu ấn đặc sắc của Hiến pháp dân chủ pháp quyền nhân nghĩa là ở Hiến pháp năm 1946 có thể coi là một “đỉnh cao” trong lịch sử lập hiến của nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử lập hiến nước nhà. Người nói rằng, mọi công việc trọng đại của quốc gia phải đưa ra cho toàn dân phúc quyết, GS.TS. Hoàng Chí Bảo nêu rõ.
Nhà nước và pháp luật vừa là phương thức, vừa là công cụ, phương tiện để xây dựng nền dân chủ XHCN để thực thi và thực hành dân chủ, để thực hiện quyền và lợi ích của Nhân dân với những định hướng: Dân là chủ thể, mục tiêu, động lực của phát triển; Nhà nước của dân, do dân và vì dân. “Đây có lẽ là thực chất nhất, bản chất nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN”. Nhấn mạnh điều này, theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, cần đặc biệt chú trọng vào tính logic của mệnh đề nêu trên: phải là Nhà nước của dân thì việc Nhà nước do dân xây dựng mới thực chất, và mục đích vì dân mới bảo đảm sự nhất quán. Bởi, hơn ai hết, trong tác phẩm Dân vận năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt mục đầu tiên là vấn đề lý luận về dân chủ - nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra”.
Nâng tầm nội hàm Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Bày tỏ niềm vui khi “anh em làm luật” lại có dịp đóng góp cho Đảng với một đề án “cực kỳ quan trọng và cực kỳ khó” là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, “chúng ta phải xây dựng như thế nào để vừa chắt lọc được những tinh hoa của nhân loại, đồng thời bảo đảm đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, đúng quan điểm, đường lối của Đảng ta, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta”.
Khẳng định tất cả những giá trị phổ quát của nhân loại về nhà nước pháp quyền “chúng ta đều có cả”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cũng chỉ rõ, “riêng vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam như thế nào thì chúng ta tổ chức khác các nước”. Quyền lực nhà nước của chúng ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đặc biệt, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này đã được lịch sử cách mạng nước ta khẳng định. Và đến bây giờ, cần khẳng định, việc Đảng ta tiếp tục lãnh đạo việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một tất yếu lịch sử của Việt Nam. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, hai quan điểm của Đảng ta trong Đổi mới là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là hoàn toàn chính xác, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhấn mạnh những luận điểm nêu trên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nêu rõ, chúng ta phải làm thế nào để “nâng tầm nội hàm của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Trong đó, đặc biệt phải có cơ chế, pháp luật, có sự kiểm tra để mọi cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, nhất là trong bộ máy nhà nước “phải luôn luôn trong đầu nghĩ rằng quyền lực mình có là dân giao cho mình, mình là công bộc của Dân thì phải phục vụ Dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy”. Điều này rất quan trọng.
Từ những giá trị phổ biến về Nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, được kiểm chứng trong quá trình phát triển của các nhà nước trên thế giới; nhất là xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) đã chính thức xác định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một trong 8 đặc trưng của xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng. Hiến pháp năm 2013 (Điều 2) khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”.
Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021 - 2026 Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây là một Đề án quan trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Chủ đề của hội thảo lần này tập trung vào những nội dung “cốt lõi” và cũng là vấn đề còn có “khoảng trống” cần được nghiên cứu, trao đổi của toàn bộ Đề án.
Qua các tham luận cũng như trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những luận giải thỏa đáng, có tính thuyết phục cao và đi đến một số nhận thức thống nhất. Một trong những nhận thức đó là, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của Nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng. Trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc hiện nay, việc chúng ta tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ của nó phục vụ phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết.
Nội dung của Hội thảo, vì thế, có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nhận diện rõ hơn về cấu trúc, các thành tố và mối quan hệ giữa chúng của mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Từ đó định hướng, xác định những bước đi, giai đoạn phù hợp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.