Quy mô các quỹ đầu tư có triển vọng tăng hàng chục lần
Bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng giám đốc khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital cho biết, nếu thị trường quỹ mở Việt Nam phát triển ở mức tương đương với Thái Lan, thì quy mô tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán sẽ tăng 50 lần so với mức hiện tại.
Bà có nhìn nhận gì về bức tranh phát triển ngành quỹ, liệu đã tương xứng tiềm năng, vì sao?
Ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính tới 31/12/2023, tổng tài sản quản lý của ngành đạt 670.500 tỷ đồng (bao gồm quỹ mở, quỹ chỉ số và các và tài khoản quản lý riêng lẻ), với số lượng nhà đầu tư tham gia quỹ mở là 247.242. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị tài sản quản lý trung bình trong 10 năm qua là 21%/năm. Mặc dù những con số này rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với quy mô hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam và tiềm năng phát triển của ngành quỹ.
Riêng về các quỹ mở, theo tính toán của VinaCapital, nếu thị trường quỹ Việt Nam phát triển ở mức tương đương Thái Lan thì quy mô tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán có thể tăng 50 lần so với hiện tại. Tất nhiên còn một số thách thức mà ngành quỹ cần phải vượt qua, nhưng tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng cao giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty quản lý quỹ, chúng ta sẽ sớm đạt mức tăng trưởng bứt tốc trong giai đoạn tới.
Nhiều quỹ đầu tư ghi nhận lợi nhuận vượt trội so với thị trường. Bà có nhận xét gì về hiệu quả hoạt động đầu tư của các quỹ?
Nếu nhìn vào ngành quản lý quỹ hiện nay so sánh với khoảng 10 năm trước đây, tôi thấy số lượng và chất lượng nhân sự đã được nâng cao. Hiện tại, ngành này có nhiều chuyên gia quản lý quỹ và chuyên gia phân tích giỏi, được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý qua những chu kỳ của thị trường trong 10 - 15 năm qua. Mỗi công ty quản lý quỹ đều xây dựng cho mình một đội ngũ đầu tư và có chiến lược, quy trình đầu tư nhằm đạt được lợi nhuận kỳ vọng với rủi ro được kiểm soát ở mức tối ưu.
Bà có thể chia sẻ phương pháp đầu tư của VinaCapital?
Chúng tôi luôn áp dụng phương pháp đầu tư dựa trên các yếu tố cơ bản với tư duy dài hạn, các quyết định đầu tư dựa trên dự báo, phân tích và định giá, không chạy theo tâm lý đám đông.
Quy trình đầu tư của VinaCapital bao gồm việc sàng lọc thị trường, phân tích kỹ từng khoản mục đầu tư, xây dựng mô hình định giá, cơ cấu danh mục, theo dõi các khoản đầu tư và thoái vốn khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng.
Bên cạnh các yếu tố cơ bản như mô hình kinh doanh và sức khỏe tài chính, dòng tiền…, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của các doanh nghiệp. Chúng tôi có bộ chấm điểm ESG với 200 câu hỏi và đã chấm điểm được hơn 100 công ty niêm yết.
Với trái phiếu, chúng tôi đã xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ để đánh giá rủi ro tín dụng tất cả các nhà phát hành và các sản phẩm trái phiếu mà VinaCapital nắm giữ. Do đó, các quỹ mở do VinaCapital quản lý có nhiều năm đạt lợi nhuận vượt trội so với thị trường trong cả chu kỳ lên và xuống của cổ phiếu, còn quỹ trái phiếu duy trì được lợi nhuận ổn định với mức bình quân dài hạn xấp xỉ 8%/năm.
Nói đến trái phiếu, sau hơn 1 năm đối diện với khủng hoảng niềm tin, bức tranh về các quỹ trái phiếu hiện nay như thế nào?
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, sau sự việc về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với lo ngại rủi ro tín dụng của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, một số quỹ trái phiếu trên thị trường đã bị rút vốn ồ ạt và/hoặc ghi nhận lợi nhuận âm trong quý IV/2022.
Trong suốt giai đoạn khủng hoảng đó, quỹ trái phiếu VinaCapital-VFF tích cực đối thoại với nhà đầu tư, để nhà đầu tư hiểu, yên tâm với chiến lược và chất lượng tài sản đầu tư của Quỹ, tiếp tục đồng hành cùng Quỹ. Quỹ VinaCapital-VFF là một trong những trường hợp hiếm hoi không bị khách hàng rút ròng và còn đạt lợi nhuận 8%, cao nhất trong các quỹ mở trái phiếu trong năm 2022, năm ghi nhận biến động chưa từng có của loại tài sản này. VinaCapital-VFF đồng thời cũng là quỹ trái phiếu có lợi nhuận trung bình 3 năm cao nhất trên thị trường.
Thời điểm hiện tại, với các chính sách hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ mặt bằng lãi suất thấp để kích thích kinh tế, tháo gỡ vướng mắc cho ngành bất động sản, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn rất nhiều. Không ít quỹ trái phiếu đạt mức tăng trưởng tổng tài sản ấn tượng trong 6 tháng qua, riêng VinaCapital-VFF tăng gấp đôi quy mô quỹ.
Trái phiếu là một kênh dẫn vốn rất quan trọng cho nền kinh tế, song song với kênh tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán. Hiện quy mô thị trường trái phiếu sau các biến cố năm 2022 - 2023 đã giảm về mức hơn 10% GDP, từ mức đỉnh 18% GDP giữa năm 2021.
Mục tiêu của Chính phủ là quy mô thị trường trái phiếu đến năm 2030 đạt 25% GDP. Bà có gợi ý giải pháp gì để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển?
Để đạt được mục tiêu đó và quan trọng hơn là tăng chất lượng thị trường trái phiếu, thì vai trò các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ trái phiếu rất quan trọng. Với việc phát triển quỹ trái phiếu, Chính phủ sẽ cùng lúc đạt được cả 3 mục tiêu quan trọng.
Thứ nhất, huy động được nguồn vốn dồi dào của nhà đầu tư cá nhân cho kênh trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các quỹ trái phiếu.
Thứ hai, giảm được đáng kể rủi ro tín dụng cho nhà đầu tư cá nhân, bởi các quyết định đầu tư được các nhà quản lý quỹ quyết định. Với năng lực, chuyên môn và kinh nghiệm của mình, các nhà quản lý quỹ sẽ giúp nhà đầu tư chọn được các trái phiếu chất lượng cao, tránh những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.
Thứ ba, khi thị trường phát triển và người mua đa số là các nhà đầu tư chuyên nghiệp như quỹ trái phiếu, thì bản thân những công ty không đủ chất lượng tín dụng khi phát hành trái phiếu sẽ không có người mua và những tổ chức phát hành kém chất lượng bắt buộc phải tự cải thiện nội lực tài chính để các nhà đầu tư đón nhận. Việc này sẽ giúp chất lượng tín dụng của toàn thị trường trái phiếu được cải thiện.
Hiện tại, thị trường trái phiếu có gần 95% là trái phiếu riêng lẻ, chỉ có 5% trái phiếu phát hành ra công chúng. Trong khi đó, quỹ trái phiếu phải đầu tư vào trái phiếu phát hành ra công chúng được niêm yết, vốn dĩ rất ít trên thị trường và chỉ được đầu tư tối đa 10% tổng tài sản quỹ vào trái phiếu riêng lẻ. Vì thế, chúng tôi cho rằng, để các quỹ trái phiếu phát triển, cơ quan quản lý có thể xem xét 2 giải pháp sau.
Một là, thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng thông qua việc rút gọn thời gian phê duyệt hồ sơ trái phiếu (hiện nay khoảng 6 tháng) để doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn phương thức này, thay vì phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Hai là, nâng hạn mức đầu tư 10% trái phiếu riêng lẻ của quỹ trái phiếu. Bản thân quỹ đã là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp, do đó có khả năng đánh giá các rủi ro liên quan trong việc mua trái phiếu riêng lẻ. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đang được phép đầu tư trái phiếu riêng lẻ không giới hạn.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 có đặt ra mục tiêu phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Theo bà, giải pháp để thực hiện mục tiêu này là gì?
Hiện tại, các nhà đầu tư tổ chức (bao gồm nhà đầu tư nước ngoài) chỉ chiếm gần 15% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi ở nhiều thị trường châu Á khác, con số này từ 40 - 60%. Việc tăng tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức sẽ giúp giảm bớt những biến động trên thị trường chứng khoán và diễn biến của thị trường gắn liền hơn với các yếu tố cơ bản về vĩ mô và tình hình doanh nghiệp.
Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là công tác truyền thông của cả cơ quan quản lý nhà nước và các công ty quản lý quỹ, thông điệp chính là đầu tư thông qua các quỹ đại chúng là một cách thức để tích lũy, gia tăng tài sản cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong dài hạn, với rủi ro thấp hơn nhiều so với tự cá nhân mua bán chứng khoán. Các nhà đầu tư cá nhân thường thiếu thời gian, kinh nghiệm để phân tích đầu tư cổ phiếu, dễ bị thao túng tâm lý trong quyết định mua bán, thường xuyên mua bán theo tin đồn không được kiểm chứng, cộng với việc dùng đòn bẩy để mua cổ phiếu, nên rủi ro là rất cao.
Thời gian qua, có những vụ việc vi phạm xảy ra trên thị trường chứng khoán làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Vì vậy, nâng cao tính minh bạch, chất lượng quản trị doanh nghiệp, tăng cường công tác giám sát thị trường để ngăn ngừa những vi phạm xảy ra là những yếu tố quan trọng để thị trường chứng khoán có được sự ổn định. Khi thị trường ổn định và phát triển, việc huy động vốn của các quỹ đầu tư sẽ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên có ưu đãi về thuế cho các cá nhân tham gia vào quỹ đầu tư.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi cũng rất quan trọng, giúp thu hút một lượng lớn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ làm tăng tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức và giúp giảm những biến động lớn trên thị trường do các nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng phản ứng thái quá với các tin tức diễn ra trên thị trường.