Quy mô đào tạo giáo dục đại học nên bao gồm cả số lượng đào tạo sau đại học
Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 29.4, Trường Đại học Y Hà Nội kiến nghị quy định về quy mô đào tạo nên xác định bao gồm cả số lượng đào tạo trình độ sau đại học, nhằm khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Trường Đại học Y Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ trên đại học thuộc hệ thống thực hành (Chuyên khoa II năm 1972, Bác sĩ nội trú và Chuyên khoa I năm 1974). Theo báo cáo, sau 50 năm, đến nay nhà trường đã triển khai đào tạo 51 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, 46 chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng nghiên cứu/định hướng nghiên cứu, 49 chương trình đào tạo Chuyên khoa II, 33 chương trình đào tạo Chuyên khoa I và 39 chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Trường Đại học Y Hà Nội sáng 29.4
Đặc biệt, Trường Đại học Y Hà Nội đã và đang duy trì đào tạo sau đại học đối với các ngành rất hiếm, rất ít người học như: Ký sinh trùng và côn trùng, Y pháp, Y học hạt nhân, các ngành y học chức năng, y học hình thái để tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo khác trong khối ngành sức khỏe.
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhu cầu học sau đại học và quy mô đào tạo 5 năm gần đây của Trường Đại học Y Hà Nội đã tăng từ 5.000 học viên lên 6.424 học viên trong năm 2025, mức độ tăng trưởng >10%/ năm. Điều này đánh giá mức độ tin tưởng của người học, trong đó có các học viên quốc tế theo hiệp định hỗ trợ đào tạo giữa Chính phủ Việt Nam và các nước như Lào, Campuchia, Mông Cổ, Ukraine...
“Dù tăng trưởng về quy mô đào tạo nhưng chất lượng vẫn được nhà trường đặt trọng tâm và công nhận thương hiệu Trường Đại học Y Hà Nội thông qua sự lựa chọn, đánh giá của người học và công nhận của các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo”, GS.TS. Nguyễn Hữu Tú khẳng định.

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, báo cáo Đoàn giám sát
Để thực hiện Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, nhằm khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, Trường Đại học Y Hà Nội đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, trong đó xem xét bổ sung nội dung quy định về quy mô đào tạo, nên xác định bao gồm cả số lượng đào tạo trình độ thạc sĩ (và tương đương) và tiến sĩ (và tương đương). Cho phép quy đổi số lượng người học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (và tương đương) sang số lượng đào tạo chính quy với hệ số 1 thạc sĩ (và tương đương)=1,5 chính quy, và 1 tiến sĩ (và tương đương) = 2 chính quy.
Đối với các nhóm ngành thuộc lĩnh vực đào tạo sức khỏe, Trường Đại học Y Hà Nội kiến nghị xem xét đào tạo y khoa là lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù. Trong trường hợp thành lập đại học có quy mô nhỏ hơn 15.000 sinh viên thì phải bảo đảm ít nhất 15 ngành trình độ tiến sĩ và 20 ngành trình độ thạc sĩ hoặc có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong trường hợp thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học ít hơn 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học, thì có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Trường Đại học Y Hà Nội cũng đề nghị xem xét những yếu tố đặc thù của lĩnh vực sức khỏe để có cơ chế tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Có cơ chế hỗ trợ phát triển mô hình trường - viện và các quy định công nhận liên thông kết quả học tập đã tích lũy trong đào tạo và văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân (thạc sĩ, tiến sĩ) bên cạnh hệ thống văn bằng, chứng chỉ đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe...

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội phát biểu tại cuộc làm việc
Trường Đại học Y Hà Nội là trường hàng đầu trong đào đạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho khối ngành sức khỏe. Trường đang triển khai tuyển sinh và đào tạo 16 chương trình đào tạo trình độ đại học. Trường đã hoàn thiện đổi mới 3 chương trình đào tạo dựa trên năng lực, tích hợp modul: Bác sĩ Y khoa, Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng; áp dụng nhiều phương thức giảng dạy tiên tiến, tạo điều kiện cho sinh viên chủ động trong học tập, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tính đến tháng 3.2025, Trường Đại học Y Hà Nội có 69 đơn vị thuộc, trực thuộc; trong đó có 7 đơn vị trực thuộc, có con dấu, tài khoản riêng, 5 Trung tâm, 6 Bộ môn Cơ bản, 13 Bộ môn cơ sở, 23 Bộ môn Lâm sàng và 3 Khoa. Về nhân lực, Trường Đại học Y Hà Nội có 2.954 viên chức, người lao động. Trong đó có 20 giáo sư, 146 phó giáo sư, 493 Tiến sĩ và tương đương; 945 thạc sĩ và tương đương; 911 đại học; 439 trình độ khác.

Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa quan tâm đến việc cân bằng trong đào tạo, hướng nghiệp, để tránh bỏ trống một số ngành cơ bản
Đoàn giám sát ấn tượng với bề dày truyền thống và những đóng góp rất lớn của Trường Đại học Y Hà Nội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của nhà trường liên quan đến các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình. Đoàn giám sát cũng ghi nhận nỗ lực của nhà trường trong đào tạo và duy trì chất lượng đào tạo trình độ sau đại học.
Nhấn mạnh, chuyên ngành đặc thù đòi hỏi việc đào tạo nhân lực cũng có đặc thù, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa, trưởng đoàn công tác cho biết, những kiến nghị, đề xuất của Trường Đại học Y Hà Nội sẽ được tổng hợp, nghiên cứu đưa vào báo cáo kết quả giám sát cũng như trong xem xét khi sửa đổi các luật liên quan, trước mắt là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.