Quy mô, số lượng, loại hình, phân bố cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 14/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, có xác định về quy mô, số lượng, loại hình, phân bố cửa khẩu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An phối hợp với Đại đội Biên phòng 217, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn, Lào tuần tra song phương đoạn biên giới do 2 đơn vị phụ trách. Ảnh: Lê Thạch

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An phối hợp với Đại đội Biên phòng 217, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn, Lào tuần tra song phương đoạn biên giới do 2 đơn vị phụ trách. Ảnh: Lê Thạch

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337,459 km[1], đi qua 10 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum), tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào (Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, Sa La Van, Sê Kông và Át Ta Pư). Xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, góp phần củng cố mối quan hệ “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện” Việt Nam và Lào luôn được cả hai Đảng, Nhà nước và nhân dân vun đắp.

Căn cứ các thỏa thuận, hợp tác giữa hai bên (đặc biệt là quy định trong Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16/3/2016) và quy định của pháp luật Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu chung là hình thành định hướng, lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào trong trung hạn (đến năm 2030) gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn nữa; làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào triển khai việc đầu tư phát triển cửa khẩu biên giới phù hợp quy hoạch cửa khẩu; chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước; tạo điều kiện cho giao lưu, qua lại biên giới và quản lý phù hợp với luật pháp của mỗi nước, pháp luật và thực tiễn quốc tế; phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cụ thể; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương và trung ương; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Lào và qua Lào sang nước thứ ba theo hướng chính quy, hiệu quả, bền vững.

Phạm vi quy hoạch được xác định với cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào, bao gồm các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, đã nêu rõ vấn đề quy mô, số lượng, loại hình và phân bố cửa khẩu như sau:

Thứ nhất, quy mô số lượng, loại hình và phân bố cửa khẩu trong mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 46 cửa khẩu, trong đó có 15 cửa khẩu quốc tế (trong đó, mỗi tỉnh biên giới Việt Nam - Lào sẽ có ít nhất 1 cửa khẩu quốc tế), 10 cửa khẩu chính và 21 cửa khẩu phụ. Do đó, trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, xác định:

(1) Mở, nâng cấp 6 cặp cửa khẩu quốc tế, bao gồm: Huổi Puốc (Điện Biên) - Na Son (Luông Pha Băng), Tén Tằn (Thanh Hóa) - Xổm Vẳng (Hủa Phăn), Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bô Ly Khăm Xay), Cha Lo (Quảng Bình) - Na Phậu (Khăm Muồn) (đường sắt), Hồng Vân (Thừa Thiên Huế) - Cô Tài (Sa La Van), A Đớt (Thừa Thiên Huế) - Tà Vàng (Sê Kông).

(2) Nâng cấp 8 cặp cửa khẩu chính, bao gồm: Si Pa Phìn (Điện Biên) - Huội La (Phông Sa Lỳ), Khẹo (Thanh Hóa) - Tha Lấu (Hủa Phăn), Thông Thụ (Nghệ An) - Nậm Tạy (Hủa Phăn), Sơn Hồng (Hà Tĩnh) - Nậm Xắc (Bô Ly Khăm Xay), Chút Mút (Quảng Bình) - Lạ Vin (Sa Vẳn Na Khệt), Cóc (Quảng Trị) - A Xóc (Sa La Van), Tây Giang (Quảng Nam) - Kà Lừm (Sê Kông), Đắk Long (Kon Tum) - Văng Tắt (Át Ta Pư).

(3) Mở 11 cặp cửa khẩu phụ, bao gồm: Nà Bủng (Điện Biên) - Lao Phu Chai (Phông Sa Lỳ), Nậm Đích (Điện Biên) - Huổi Hịa (Phông Sa Lỳ), Huổi Lạ (Sơn La) - Long Nhang (Luông Pha Băng), Cang (Thanh Hóa) - Pó (Hủa Phăn), Kham (Thanh Hóa) - Piềng Pưa (Hủa Phăn), Yên Khương (Thanh Hóa) - Bản Cân (Hủa Phăn), Kéo Hượn (Thanh Hóa) - Khằm Nàng (Hủa Phăn), Huồi Khe (Nghệ An) - Loong Hô (Xiêng Khoảng), Dốc Mây (Quảng Bình) - Lù Nghì (Khăm Muồn), A Roòng (Quảng Trị) - Xa Đun (Sa Vẳn Na Khệt), Hồng Thái (Thừa Thiên Huế) - Sê Sáp (Sê Kông).

Thứ hai, quy mô số lượng, loại hình và phân bố cửa khẩu trong tầm nhìn đến năm 2050: Đến năm 2050, dự kiến trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 49 cửa khẩu, trong đó có 21 cửa khẩu quốc tế, 15 cửa khẩu chính và 13 cửa khẩu phụ. Tất cả các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào đều có đủ 3 loại hình cửa khẩu quốc tế, chính, phụ. Do đó, trong quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, xác định:

(1) Mở, nâng cấp 6 cặp cửa khẩu quốc tế, bao gồm: Chiềng Khương (Sơn La) - Bản Đán (Hủa Phăn), Khẹo (Thanh Hóa) - Tha Lấu (Hủa Phăn), Chút Mút (Quảng Bình) - Lạ Vin (Sa Vẳn Na Khệt), Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Sa Vẳn (Sa Vẳn Na Khệt) (đường sắt), Tây Giang (Quảng Nam) - Kà Lừm (Sê Kông), Đắk Long (Kon Tum) - Văng Tắt (Át Ta Pư).

(2) Nâng cấp 10 cặp cửa khẩu chính, bao gồm: Huổi Lạ (Sơn La) - Long Nhang (Luông Pha Băng), Cang (Thanh Hóa) - Pó (Hủa Phăn), Kham (Thanh Hóa) - Piềng Pưa (Hủa Phăn), Yên Khương (Thanh Hóa) - Bản Cân (Hủa Phăn), Kéo Hượn (Thanh Hóa) - Khằm Nàng (Hủa Phăn),Tam Hợp (Nghệ An) - Thoong My Xay (Bô Ly Khăm Xay), Cao Vều (Nghệ An) - Thoong Phị La (Bô Ly Khăm Xay), Dốc Mây (Quảng Bình) - Lù Nghì (Khăm Muồn), Tà Rùng (Quảng Trị) - La Cồ (Sa Vẳn Na Khệt), Đắk Blô (Kon Tum) - Đắk Bar (Sê Kông).

(3) Mở 2 cặp cửa khẩu phụ, bao gồm: Huồi Mới (Nghệ An) - Đen Đín (Hủa Phăn), Động Trìm (Hà Tĩnh) - Maca (Khăm Muồn).

Thực hiện quy hoạch trên, Nhà nước xác định giải pháp, nguồn lực đồng bộ, khả thi với các vấn đề về cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện, nhân lực, môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết vùng, giáo dục, tuyên truyền, hợp tác quốc tế và tổ chức thực hiện. Đối với Bộ Quốc phòng: Phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào trong triển khai quy hoạch, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới bảo đảm yêu cầu về quốc phòng - an ninh; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý Nhà nước tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền; phối hợp thực hiện tốt Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16/3/2016; chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình.

[1] Khoản 3, Điều 1, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-mo-so-luong-loai-hinh-phan-bo-cua-khau-tren-tuyen-bien-gioi-dat-lien-viet-nam-lao-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-post476933.html