Quy mô tài sản của FPT vượt mốc 60.000 tỷ đồng Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc muốn bán bớt 4 triệu cổ phiếu
Tổng tài sản của FPT đạt mức 60.556,7 tỷ đồng vào cuối quý II, trong đó lượng tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 44% với 26.688 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 ấn tượng, nối tiếp đà tăng trưởng hai chữ số. Theo đó, doanh thu thuần FPT đạt 12.484 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; cấn trừ đi các chi phí, tập đoàn báo lãi sau thuế kỷ lục 1.855 tỷ đồng, tăng 16%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu FPT đạt 24.166 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 4.339 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 20,6% lên mức 3.003 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuân trên cổ phần (EPS) tăng 19,8% lên 2.732 đồng/cổ phiếu.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức doanh thu 11.227 tỷ đồng, tăng 30,2%; lợi nhuận trước thuế tăng 34,6% lên 1.834 tỷ đồng.
Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng trưởng 39,1%, bất chấp sự mất giá của đồng Yên. Đà tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số, lĩnh vực mà Nhật Bản đang tụt lại sau Mỹ và các quốc gia phương Tây sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đối với khối dịch vụ viễn thông, FPT ghi nhận tăng trưởng 10,4% lên 7.423 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 14,5% lên 1.475 tỷ đồng. Mảng giáo dục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 42%, đạt 2.754 tỷ đồng do nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh.
Trong năm 2023, FPT lên kế hoạch tăng trưởng 18% với mục tiêu đem về 52.289 tỷ đồng doanh thu và 9.055 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với kết quả đạt được sau 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 48% lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của FPT ở mức 60.556,7 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 44% quy mô tài sản của tập đoàn, ghi nhận ở mức 26.688 tỷ đồng, tăng 37% so với hồi đầu năm.
Trong đó, FPT có gần 20.450 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn theo nguyên tệ, hơn 4.114 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và gần 2.120 tỷ đồng các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng.
Thời điểm cuối quý II/2023, các khoản nợ phải trả chiếm hơn nửa nguồn vốn của FPT, ghi nhận hơn 31.961 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm và chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Vay nợ thuê tài chính của tập đoàn tăng 58% so với đầu năm lên 19.545 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn ghi nhận 17.386 tỷ đồng. Về các khoản vay, FPT vay 9.152 tỷ đồng tiền Việt Nam (VND), 6.576 tỷ đồng bằng đô la Mỹ (USD) và 3.816 tỷ đồng yên Nhật Bản (JPY).
Ngoài ra, tập đoàn có nguồn thu ngoại tệ thu được từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền bằng USD và JPY để có thể chi trả ho các khoản vay. Cụ thể, doanh thu của FPT thu về từ JPY là 25.113 tỷ đồng và gần 193,2 tỷ đồng từ USD.
Vốn chủ sở hữu của FPT ghi nhận ở mức hơn 28.595 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 28% lên hơn 10.666 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc muốn bán bớt 4 triệu cổ phiếu
Mới đây, Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc đã đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu FPT với mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân.
Thời hạn thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 19/7 đến 13/8/2023 theo phương thức thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Ngọc sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại FPT từ 1,96% xuống còn 1,64%, tương 20,8 triệu cổ phiếu.
Động thái đăng ký thoái vốn của ông Ngọc diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FPT đạt đỉnh trong vòng 13 tháng trở lại đây, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, mã này dừng ở mức 80.300 đồng/cổ phiếu. Với thị giá hiện tại, dự kiến ông Ngọc có thể thu về hơn 313 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Đà tăng của cổ phiếu FPT từ cuối tháng 4, ngay sau khi tập đoàn công bố ước lãi trước thuế quý II lập kỷ lục 2.218 tỷ đồng. Thời điểm đó, mã FPT giao dịch quanh vùng giá 67.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 18% với thị giá hiện tại.
Doanh nhân Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956, trước khi ông trở thành trụ cột tại FPT thì ông đã có 9 năm giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Sau 9 năm giảng dạy, đến năm 1988, ông Ngọc cùng ông Trương Gia Bình đã cùng nhau lập nên Tập đoàn FPT. Thời điểm đó, ông Trương Gia Bình giữ chức Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT FPT, còn ông Bùi Quang Ngọc giữ chức vị Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đến năm 2013.
Sau hơn 30 năm gắn bó với FPT, ông Ngọc đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối công nghệ thông tin, Giám đốc chất lượng (CQO), Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc điều hành (COO), Phó Chủ tịch HĐQT FPT.