Quy mô thị trường tài chính số Việt Nam sẽ đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2025
Fintech đang phát triển rộng khắp toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Theo chuyên gia của ADB, quy mô thị trường tài chính số Việt Nam ước đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2025, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng lũy kế đạt 38%/năm trong giai đoạn 2019-2025…
Tiềm năng của Fintech Việt và những hạn chế
Bà Sharmista Appaya, đại diện Nhóm Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất tại Ðông Nam Á.
Với phần lớn dân số là thanh niên (dưới 35 tuổi), cùng sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp thanh toán.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cởi mở hơn về chính sách, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt xuống 10% và có ít nhất 70% dân số có tài khoản ngân hàng vào năm 2020… đã hỗ trợ sự phát triển của Fintech.
“Hệ sinh thái Fintech Việt đã huy động được tổng cộng 117 triệu USD trong năm 2018, với khoảng 70% huy động từ Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản”, bà Sharmista Appaya thông tin.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhìn nhận, lĩnh vực tài chính số của Việt Nam đã có sự chuyển mình rất lớn thời gian qua.
Doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các khoản vay bằng ứng dụng trực tuyến, người dân có thể giao dịch mà không cần trực tiếp đến ngân hàng.
“Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng với tỷ lệ lớn người dân, doanh nghiệp chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng”, ông Eric Sidgwick nói.
Mặc dù vậy, ông Dominic Mellor, chuyên gia đầu tư cao cấp ADB cho biết, hơn 70% dân số khu vực Ðông Nam Á không được ngân hàng đáp ứng, hoặc không được sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Cụ thể hơn, chuyên gia này thông tin, với dân số trưởng thành của Ðông Nam Á năm 2018 là 400 triệu người, trong đó 198 triệu người (tương đương 50%) chưa được sử dụng dịch vụ ngân hàng do không tiếp cận được với các dịch vụ tài chính cơ bản (mở tài khoản ngân hàng); 98 triệu người (24%) không được ngân hàng đáp ứng bởi không được phục vụ tốt khi sử dụng dịch vụ tài chính, hoặc có các nhu cầu chưa được đáp ứng; 104 triệu người (26%) được phục vụ tốt khi sử dụng các dịch vụ tài chính. Tỷ lệ này ở Việt Nam tương ứng là 69%, 10% và 21%.
“Ðây là cơ hội lớn của khu vực Ðông Nam Á với dự báo thị trường sẽ tiến tới quy mô 38 tỷ USD cho các dịch vụ tài chính số vào năm 2025. Trong đó, Indonesia và Việt Nam được dự báo sẽ là các nước có tăng trưởng doanh thu nhanh nhất từ các dịch vụ tài chính số.
Cụ thể, tại Indonesia, năm 2019 là 1,5 tỷ USD và đến 2025 là 8,6 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm là 34%. Với Việt Nam, năm 2019 là 0,5 tỷ USD, đến năm 2025 là 3,8 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm là 38%”, ông Dominic Mellor nói.
Bên cạnh dự báo lạc quan, chia sẻ về những yếu tố hạn chế sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính số tại Ðông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, ông Dominic Mellor nhấn mạnh vào 4 yếu tố:
Thứ nhất, các trường hợp sử dụng tiền mặt thường không dễ dàng trong việc chuyển đổi thành tiền kỹ thuật số. Tiền mặt vẫn còn phổ biến trong các hoạt động kinh tế ngầm. Trong khi đó, người bán hàng cần làm nhiều việc và có nhiều năng lực khác nhau để thực hiện số hóa.
Thứ hai, thiếu hệ thống nhận diện kỹ thuật số đối với cá nhân để có thể sử dụng được. Ðiều này có thể dẫn đến tình trạng làm giả thông tin cá nhân và thiếu các thông tin định dạng cá nhân cơ bản, nhất là với dân cư tại khu vực nông thôn.
Thứ ba, các nhà lập pháp áp dụng cách tiếp cận cẩn trọng đối với trường hợp phá sản để bảo vệ người tiêu dùng. Dẫu vậy, một số cơ quan quản lý vẫn duy trì sự bảo vệ đối với người đang thừa hành công vụ.
Thứ tư, thiếu vắng công ty thông tin tín dụng có hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc thiếu cơ sở dữ liệu tín dụng một cách vững chắc làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng, hạn chế sự liên kết giữa các hệ thống thanh toán. Bên cạnh đó, rất ít lựa chọn để điều chuyển vốn giữa các tài khoản mà chi phi bằng không hoặc thấp và thiếu chuẩn mực chung về QR tại một số nước, làm chậm quá trình áp dụng của người tiêu dùng.
Cần tạo lập hệ sinh thái lớn cho Fintech
Một khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay, có 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech để cùng phát triển.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ, trên thiết bị di động, người Việt Nam đã có thể sử dụng nhiều dịch vụ hơn so với đến giao dịch tại ngân hàng…
Nhờ đó, giao dịch thanh toán trên kênh điện thoại di động so với 2018 tăng trưởng 110% về số lượng, 150% về giá trị và tỷ lệ tăng cao được duy trì liên tục trong 2-3 năm qua.
“10 năm trước đây, các ngân hàng đã từng trang bị Mobile Banking và Internet Banking, trước khi chững lại một, hai năm sau đó. Hiện tại, cách thức ngân hàng hợp tác với Fintech để triển khai Mobile Banking và Internet Banking đã rất khác.
Ngoài giao diện được thay đổi hàng ngày, đáp ứng khách hàng từng giờ, khách hàng còn được hưởng cả một hệ sinh thái số. Ðây là điều rất quan trọng. Nếu không có các công ty Fintech, chắc chắn Mobile Banking và Internet Banking không thể phát triển như ngày hôm nay”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, các ngân hàng khi triển khai không chỉ sử dụng Mobile Banking để xử lý giao dịch cho khách hàng, mà còn là một hệ sinh thái kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, vận tải, y tế, nhà hàng…
Như vậy, tập khách hàng của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể khi hợp tác với Fintech, vì bản chất là kết nối dữ liệu của các đơn vị cung cấp dịch vụ, kết nối hạ tầng với nhau. Fintech nào có hệ sinh thái lớn sẽ làm chủ thị trường, chủ cuộc chơi.
“Nhiều đơn vị đến xin giấy phép thành lập trung gian thanh toán, tôi hỏi ngay ‘đã có hệ sinh thái chưa’ và có nhiều đơn vị không bao giờ quay lại. Bởi rõ ràng, giấy phép chỉ là cái ban đầu, nếu không có hệ sinh thái, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thua lỗ và ‘ra đi’”, ông Dũng thông tin thêm.
Dẫu vậy, ông Dũng thừa nhận, vẫn còn những thách thức như vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho Fintech phát triển; đảm bảo an ninh mạng và bảo mật khách hàng; nâng cao nhận thức, kỹ năng của khách hàng; lựa chọn, đầu tư hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin…
Về phía NHNN, ông Dũng cho biết, thời gian tới sẽ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng; xây dựng cơ chế thử nghiệm pháp lý (Sandbox); xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng, mở rộng hợp tác quốc tế về ngân hàng số, Fintech; ứng dụng công nghệ số để tăng cường năng lực quản lý, giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động…
Liên quan đến các ngân hàng, NHNN định hướng xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại từng tổ chức tín dụng, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm - dịch vụ sáng tạo; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường quản trị rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng; thu hút, giữ chân nhân tài kỹ thuật số, đào tạo lại nguồn nhân lực thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0; xác định mức độ cạnh tranh - hợp tác với Fintech/Bigtech để có mô hình kinh doanh thích hợp...