Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần đi vào ổn định
Tính tới ngày 12/7/23, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có xu hướng thu hẹp khi dư nợ TPDN đăng ký lưu ký đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tương ứng với khoảng 11% quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới, quy mô thị trường dần đi vào ổn định.
Xu hướng thu hẹp xuất phát từ lượng phát hành thành công mới thấp trong khi lượng đáo hạn và chủ động mua lại tiếp diễn. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, quy mô thị trường TPDN của Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Dự báo thời gian tới, quy mô thị trường dần đi vào ổn định nhờ các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường TPDN có 61 đợt phát hành trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 64.552 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó có 54 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị là 59.032 tỷ đồng tiếp tục là hình thức chủ đạo, chiếm 91,4% tổng giá trị phát hành; 7 đợt phát hành ra công chúng giá trị 5.520 tỷ đồng, chiếm 8,6%. Lượng phát hành mới tập trung chủ yếu trong tháng 3 và tháng 6 và tập trung vào nhóm Bất động sản.
Nhìn chung, phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn được ưu tiên, tuy vậy tỷ trọng các đợt phát hành công chúng tăng nhẹ do đợt phát hành thành công của CTCP Tập đoàn Masan. Trong nửa đầu năm, không có các đợt chào bán trái phiếu quốc tế.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong nửa đầu năm, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn đạt 80.621 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Lượng mua lại trái phiếu tiếp tục duy trì đến từ cả 2 phía nhà phát hành chủ động mua lại và nhà đầu tư yêu cầu mua lại.
Xu hướng này được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2023. Trong top 20 doanh nghiệp giá trị mua lại lớn loại trừ các ngân hàng là các công ty Yamagata, Azura, CTCP Ataka Việt Nam, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji...
Trong quý II/2023, lượng trái phiếu chậm thanh toán lãi, gốc tiếp tục có xu hướng tăng. Một số trường hợp trái phiếu tiếp tục chậm trả lãi trong kỳ thanh toán tiếp theo.
Tính tới giữa tháng 7, thị trường ghi nhận 146 lượt công bố trái phiếu trả chậm có liên quan tới 113 trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi và chậm thanh toán mua trước hạn. Thời gian trả chậm ngắn nhất là 2-3 ngày, còn dài nhất là 6-9 tháng. Số tiền chậm trả trái phiếu khoảng 4.100 tỷ đồng tiền lãi và 21.200 tỷ đồng tiền gốc.
Trong khi đó, giá trị của những trái phiếu đàm phán, gia hạn thời hạn trả được là khoảng 42.000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp phát hành đàm phán, gia hạn được với trái chủ chủ yếu thuộc ngành nghề Bất động sản, Năng lượng, với thời gian gia hạn từ 6 tháng đến 2 năm và mức lãi suất khoảng 13% - 15% (tăng 2-3 điểm phần trăm).
Trong quá trình tái cấu trúc, hình thức gia hạn trái phiếu vẫn chiếm chủ đạo chiếm trên 80% cho thấy các hình thức xử lý hiện tại. Như vậy, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý thúc đẩy quá trình đàm phán gia hạn trái phiếu, giúp nhà phát hành có thêm thời gian để "xoay xở".