Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia không vì lợi nhuận: 'Giấc mộng' của nhiều người sắp thành hiện thực?
Theo chuyên gia, việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và phát triển nhà giá rẻ là hợp lý. Đây là một phân khúc quan trọng và mang tính chủ đạo, khi có nguồn cung mới đáp ứng được nhu cầu thực tế sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển cân đối hơn, đồng thời phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội.
Trong dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn vốn huy động khác. Cụ thể, nguồn thu mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đóng tương đương giá trị quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, hoặc nguồn thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc tài sản công.

Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia không vì lợi nhuận. (Ảnh: Rice)
Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNRea) cho rằng, việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và phát triển nhà giá rẻ là hợp lý. Đây là một phân khúc quan trọng và mang tính chủ đạo, khi có nguồn cung mới đáp ứng được nhu cầu thực tế sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển cân đối hơn, đồng thời phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội.
“Sự chỉ đạo, định hướng khẩn trương, nghiêm túc của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ trong việc phát triển nhà giá rẻ, đặc biệt ở các đô thị lớn, giải quyết hiệu quả vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp”, TS Nguyễn Văn Khôi nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, khẳng định, chủ trương thành lập quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn là mang tính đột phá. Vì quỹ này sẽ điều tiết thị trường bất động sản về mặt vĩ mô, giá cả.
Khi thị trường thiếu nguồn cung, Nhà nước sẽ mở quỹ để phát triển nhà ở, phục vụ an sinh xã hội. Khi nguồn cung vượt quá cầu thì Nhà nước sẽ đóng lại và điều tiết linh hoạt.
"Tất nhiên, trong quá trình thực hiện cũng cần phải nghiên cứu, dựa vào quy hoạch chung, quy hoạch vùng, căn cứ thực tiễn để đưa ra chiến lược phù hợp", ông Điệp nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất, thay vì đặt tên là Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, thì nên đặt thành Quỹ phát triển nhà ở, bỏ chữ “xã hội”.
Bởi về lâu dài, lập Quỹ nhà ở Quốc gia được sử dụng để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, bao gồm 2 loại nhà là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Do đó, tên gọi Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có tính linh hoạt và bao trùm chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người yếu thế trong xã hội, trong đó có cơ chế hỗ trợ cho người trẻ mua nhà ở thương mại giá rẻ, mà không cần phải thay đổi tên gọi của Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia.
Ngoài ra, ông Châu đề xuất Quỹ phát triển nhà ở quốc gia nên được quản lý bởi Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.