Quy trình 5 bước trong sửa chữa vũ khí công nghệ cao ở Nhà máy A45
Hiện nay, Quân chủng Phòng không-Không quân được trang bị nhiều vũ khí, trang bị (VKTB) hiện đại, nhất là các loại máy bay chiến đấu, tên lửa, radar. Các loại VKTB này thường được thiết kế, chế tạo chống sao chép, làm nhái.
Đối với VKTB nhập khẩu từ nước ngoài, nhà cung cấp không chuyển giao tài liệu công nghệ như: Sơ đồ chi tiết, sơ đồ nguyên lý, sơ đồ cấu tạo, nguyên lý hoạt động, phần mềm tích hợp, thiết bị kiểm tra độc lập, tài liệu pháp lý công nghệ cho công tác sửa chữa. Ngoài ra, việc thiết kế mã vạch đối với các thiết bị, các panel, khối máy khiến việc dồn lắp, hoán đổi không thể thực hiện được. Do đó, quá trình khai thác, sử dụng phát sinh hỏng hóc nhiều chi tiết phải đưa ra nước ngoài hoặc nhờ chuyên gia nước ngoài sang sửa chữa. Công tác này không chỉ tốn kém kinh phí mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời của đơn vị.
Từ thực tế trên, Nhà máy A45 (Quân chủng Phòng không-Không quân) chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến sửa chữa thành công, làm chủ hệ thống máy tính chuyên dụng quân sự trên các dòng máy bay và hệ thống điện, điện tử của nhiều loại VKTB. Theo Đại tá Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Nhà máy A45, đối với VKTB công nghệ cao, hệ thống máy tính chuyên dụng được ví như bộ não, với nhiệm vụ tích hợp các phần tử tác chiến. Đó là những tín hiệu thu thập được từ radar, cảm biến, đo lường, thông tin từ sở chỉ huy của các VKTB liên quan đưa đến, từ đó tính toán và đưa ra những lựa chọn, tạo lệnh điều khiển tối ưu để điều khiển VKTB hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ với độ chính xác cao. "Làm chủ hệ thống máy tính này mới sửa chữa các loại thiết bị điện, điện tử đầu cuối đồng bộ với máy tính chuyên dụng quân sự", Đại tá Hoàng Trung Kiên cho hay.
Để làm chủ hệ thống máy tính của các loại VKTB hiện đang được biên chế ở các đơn vị trong Quân chủng, đội ngũ cán bộ, kỹ sư Nhà máy A45 tiến hành nghiên cứu, thiết kế ngược sơ đồ nguyên lý mạch điện, xây dựng công nghệ sửa chữa cho từng loại khí tài. Đặc biệt, để sửa chữa sản phẩm công nghệ cao, Nhà máy triển khai 5 bước, đó là: Phân công, giao đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể cho từng bộ phận; xây dựng pháp lý công nghệ sửa chữa, biên soạn tài liệu kỹ thuật, phương án kỹ thuật, sơ đồ nguyên lý; tiến hành thử nghiệm sản phẩm đã được nghiên cứu; hoàn thiện pháp lý công nghệ và bước cuối cùng là huấn luyện chuyển giao công nghệ cho các bộ phận trong Nhà máy, làm tiền đề nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao khác.
Theo Đại tá Hoàng Trung Kiên, với quy trình 5 bước, Nhà máy A45 đã tiếp thu được nhiều công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng tại các nước có nền khoa học quân sự hiện đại và áp dụng vào dây chuyền công nghệ sản xuất, sửa chữa của Nhà máy như: Công nghệ phổ nhiệt (quan sát nhiệt); công nghệ quét biên JTAG (công nghệ quét ranh giới); công nghệ so sánh đặc tính tham chiếu V/I và công nghệ phân tích lập trình kiểm tra chức năng. Việc ứng dụng các công nghệ trên tạo thành công mang tính đột phá của Nhà máy trong những năm gần đây. Hiện nay, Nhà máy đã sửa chữa thành công nhiều máy tính chuyên dụng quân sự, nhất là các hệ máy tính điều khiển hệ thống hỏa lực, điều khiển trung tâm, điều khiển các kênh chuyển động của máy bay chiến đấu... Ngoài ra, Nhà máy đi sâu nghiên cứu sửa chữa nhiều VKTB kỹ thuật mới thuộc các chuyên ngành kỹ thuật hàng không, pháo phòng không, tên lửa tầm thấp...
Với việc chủ động xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đến nay, Nhà máy A45 có thể sửa chữa nhiều loại VKTB công nghệ cao, hệ thống điện, điện tử, máy tính, điều khiển vi xử lý, radar, vô tuyến... góp phần bảo đảm VKTB cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý, điều hành bay và những nhiệm vụ khác.
Bài và ảnh: SƠN BÌNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.