Quy trình… ngược?
Khoảng 70.000 tỉ đồng sẽ được sử dụng để đổi mới chương trình, SGK và sẽ triển khai thí điểm vào năm 2017.
Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, dự án lớn như thế, không thể muốn làm gì thì làm.
Chú trọng tự học
Dự thảo đề án "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015" với khoản kinh phí 70.000 tỷ đồng vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành.
Theo Vụ Giáo dục THPT (Bộ GD&ĐT), chương trình hiện hành quan tâm chủ yếu tới việc học sinh sẽ học được những gì. Việc xây dựng chương trình như vậy được gọi là theo hướng tiếp cận nội dung dạy học. Điểm khác biệt của chương trình mới là xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy.
Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học. Chú trọng vào việc yêu cầu học sinh học xong phải thể hiện được, làm được, biết vận dụng những kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống.
Sách giáo khoa hiện nay được đánh giá là quá tải đối với học sinh. Ảnh: Chí Cường
Chương trình mới sẽ có mức yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, nhưng cũng có phần dành cho các địa phương chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của địa phương. Chương trình có sự hài hòa, cân đối giữa "dạy chữ", "dạy người" và từng bước "dạy nghề", định hướng nghề nghiệp, nhất là ở cấp THPT. Đặc biệt, chương trình không nặng về cung cấp nhiều kiến thức mà các kiến thức được lựa chọn cơ bản, vừa đủ để phát triển năng lực tư duy, phương pháp học, phát triển năng lực giải quyết vấn đề... phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh.
Nên sửa cái “áo” hiện hành
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, một dự án lớn như thế, không phải muốn làm gì thì làm. GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội Khoa học- Tâm lý Giáo dục Việt Nam) khẳng định: "Nghị quyết Đại hội Đảng XI đặt ra mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa công bố nội hàm sẽ đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục ở chỗ nào và cái gì thì đã vội vàng thay chương trình, thay sách giáo khoa. Như thế là quy trình ngược".
Nội dung chính của đề án Xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa các cấp học, biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy (kinh phí 962 tỉ đồng); Đầu tư cơ sở vật chất (35.000 tỉ đồng); Đầu tư thiết bị dạy học (30.050 tỉ đồng); Triển khai thí điểm chương trình - SGK (3.591 tỉ đồng).
GS.VS Phạm Minh Hạc phân tích, nhìn chung sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 hiện nay đang rất quá tải. Vừa quá nhiều cái hàn lâm, không cần cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông, vừa thiếu kĩ năng sống. Vì vậy, hiện nay mới có tình trạng các cơ sở giáo dục ồ ạt mở các lớp kĩ năng sống. Một số giáo viên, nhà giáo đã so sánh môn Toán của ta cũng nặng hơn nhiều chương trình tiên tiến trên thế giới. Một nhóm giáo viên trước đó cũng có yêu cầu Bộ GD&ĐT thay đổi môn Đạo đức đầu tiên vì không phù hợp với học sinh. Hoặc chẳng hạn như môn Văn, Văn học sử quá nặng. Văn học nước ngoài và trong nước chưa cân đối...
Điều này cũng trùng với ý của ông Nguyễn Minh Thuyết (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội). Ông Thuyết đồng ý với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhưng ông cho rằng không nên làm ngược. Xây dựng chương trình, sách giáo khoa phải làm sau việc đổi mới toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết của Đảng.
Trước mắt, theo GS.VS Phạm Minh Hạc, nhìn lại dự án thay đổi chương trình, sách giáo khoa toàn diện, căn bản phải từ 6-8 năm nữa mới triển khai. Vậy trong thời gian chờ đợi này, học sinh và cả xã hội tiếp tục phải chịu đựng những bất cập ở trên? "Theo tôi, trong khi chờ cái "áo" mới, trước mắt phải sửa cái "áo" hiện hành sao cho phù hợp. Để tình trạng mỗi năm có vài đính chính trong sách giáo khoa vì sai lỗi khoa học, lỗi chính tả, lỗi in ấn là không được", GS.VS Phạm Minh Hạc khẳng định.
Các giai đoạn dự kiến thực hiện
- Giai đoạn thứ nhất (2011-2013): Thành lập ban chỉ đạo đề án, xây dựng các văn bản pháp quy, tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình để thử nghiệm...
- Giai đoạn thứ hai (2013-2015): Tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành sách giáo khoa, sách giáo viên để thử nghiệm, khảo sát nhu cầu, hoàn thiện, thẩm định và ban hành danh mục, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu về thiết bị dạy học.
- Giai đoạn thứ ba (2015-2019): Thử nghiệm và đánh giá chương trình thử nghiệm, trưng cầu ý kiến về chương trình, sách giáo khoa và đánh giá quá trình xây dựng để hoàn thiện, thẩm định và ban hành chính thức chương trình, triển khai tài liệu hướng dẫn dạy học kèm theo.
- Giai đoạn thứ tư (2019-2022): Tổ chức hoàn thiện, thẩm định và ban hành chính thức sách giáo khoa, tổ chức hướng dẫn thực hiện chương trình, đánh giá kết quả thực hiện đề án và tổng kết đề án.
Hà Mỹ
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20110610100859599p0c1000/quy-trinh-nguoc.htm