Quy trình quản lý, giáo dục người chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã là cần thiết
Các ý kiến đều cho rằng việc ban hành quy trình quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã là rất cần thiết.
Ngày 6/5, Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (TG, TG, THAHS) đã tổ chức hội thảo “Công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã”. Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Quản lý TG, TG, THAHS chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Phục nhấn mạnh công tác THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng là một công tác rất phức tạp, khó khăn, có phạm vi rộng lớn, vai trò rất quan trọng trong bảo đảm thi thành nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và để triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Cảnh sát Quản lý TG, TG, THAHS tại cộng đồng chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng “Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về ban hành Quy trình quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã” để ban hành và thực hiện từ 1/7/2022.
“Hội thảo nhằm làm sáng tỏ hơn những vấn đề về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã trong thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và quy định của Bộ Công an.
Trên cơ sở đó có đánh giá toàn diện và tham mưu cho lãnh đạo Bộ có những chủ trương, giải pháp và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự cộng đồng; bảo đảm cho việc xây dựng, ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an đảm bảo đúng quy trình thủ tục, nội dung; làm căn cứ cho Công an cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng” – Trung tướng Nguyễn Văn Phục nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được 36 bài viết tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà quản lý của Công an các đơn vị, địa phương và 10 ý kiến tham luận trực tiếp. Theo đó, các ý kiến đã đánh giá những vấn đề lý luận và thực trạng công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng của Công an cấp xã; vai trò của Công an cấp xã trong xây dựng mô hình tái hòa nhập cộng đồng.
Các đại biểu cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng giải quyết khi giao trách nhiệm cho Công an xã quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng…
Thượng tá Trần Quý Trường, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho biết, công tác vận động người có uy tín, chức sắc, chức việc giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng đã đem lại hiệu quả cao; nhiều mô hình được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, đem lại hiệu quả cao như mô hình “Thắp sáng niềm tin”, “Giúp đỡ người hoàn lương”, “Tổ tình nguyện tiếp nhận người đặc xá tha tù”. Trong đó, có hàng trăm mô hình phát huy hiệu quả. “Để công tác này đem lại hiệu quả, lực lượng Công an cấp xã cần tham mưu cho đảng ủy, chính quyền để có chỉ đạo, kiện toàn các ban chỉ đạo tại cơ sở; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, gắn trách nhiệm người đứng đầu; gắn kết với chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; tuyên truyền, biểu dương những người chấp hành tốt, phát huy tốt hơn nữa vai trò của người có uy tín, chức sắc chức việc; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền…” – Thượng tá Trần Quý Trường nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng tham luận về giải pháp nâng cao hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù cho biết, hiện nay công tác giáo dục, cải tại phạm nhân luôn bảo đảm đúng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta.
Trong 3 giai đoạn giáo dục phạm nhân thì chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hạn chế tái phạm tội. “Chính vì vậy, công tác này được chuẩn bị tương đối kỹ, các phạm nhân khi sắp hết thời hạn thi hành án, chuẩn bị đặc xá được giáo dục kiến thức cơ bản về pháp luật; trách nhiệm của công dân; kỹ năng tiếp xúc; được giúp đỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục cần thiết, giấy tờ tùy thân. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm tâm lý, tư vấn pháp lý, hướng nghiệp…để đảm bảo sau khi về cộng đồng họ có công ăn việc làm ổn định, hạn chế phạm tội” – Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng cho biết.
Đại tá Bùi Đức Tài, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, hàng năm tỉnh tiếp nhận từ 800 đến 1.000 người chấp hành xong án phạt tù. Để giúp đỡ những người này, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập và công nhận điều lệ Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng Đồng Tháp; nguồn trích từ vốn trích ngân sách Nhà nước; vận động tài trợ , tài trợ để hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho 808 lượt người vay vốn với số tiền gần 24,5 tỷ đồng, trong đó đã có 392 người trả được nợ với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng. Nhờ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ tái vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù từ 20,6%/năm giai đoạn 2002-2012 xuống còn 3,3%/ năm hiện nay.
Kết luận Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Phục đã tóm tắt các ý kiến chính trong Hội thảo; cho biết, để thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng của Công an cấp xã cần thực hiện đồng bộ các công tác như: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan và các đơn vị trong lực lượng CAND; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; nghiên cứu, đề xuất để đảm bảo kinh phí, trang thiết bị để Công an cấp xã thực hiện có hiệu quả công tác này.
“Các ý kiến đều cho rằng việc ban hành Quy trình quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã là rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn về quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã; dự thảo Quy trình đã cơ bản quy định, hướng dẫn cụ thể chi tiết các nội dung công việc cần thực hiện.