Quy trình, thủ tục đấu giá tài sản vẫn quá lạc hậu?

Thảo luận tại tổ chiều nay, 8.11, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, một số đại biểu cho rằng, quy trình, thủ tục đấu giá tài sản vẫn còn quá lạc hậu, nếu giao Chính phủ hướng dẫn cũng không thể hướng dẫn được. Đại biểu đề nghị nên sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản hiện hành, bảo đảm ứng dụng công nghệ trong hoạt động đấu giá.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chiều nay, các đại biểu Quốc hội tổ 4 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu) đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; các nội dung lớn của dự thảo Luật như nhóm các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, nhóm quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và nhóm quy định về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá; tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật để khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) phát biểu tại thảo luận Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) phát biểu tại thảo luận Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Dẫn các quy định cụ thể trong dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) nhận định, quy trình, thủ tục được quy định như vậy đã quá lạc hậu, vẫn hoàn toàn theo kiểu thủ công. Đại biểu đặt vấn đề, việc ứng dụng công nghệ khoa học vào hoạt động đấu giá như thế nào?

“Chúng ta xem hoạt động đấu giá biển số xe vừa qua, người tham gia đấu giá đâu có phải đến tận nơi xem cái biển số xe như thế nào? Nếu quy định như dự thảo Luật và giao cho Chính phủ hướng dẫn thì không thể hướng dẫn được, không thể hiện thực hóa được. Vì trong dự thảo Luật quy định, đối với đấu giá đất đai thì mời người đấu giá đất đai đến “xem trực tiếp” mảnh đất được đấu giá. Nếu đấu thầu qua mạng thì “xem trực tiếp” như thế nào? Bây giờ có rất nhiều hình thức đấu giá, người ta có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là ở nước ngoài cũng vẫn tham gia đấu giá được”.

Từ những phân tích nêu trên, ĐB Nguyễn Hữu Toàn đề nghị nên sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm ứng dụng công nghệ vào hoạt động đấu giá. “Các nước đã làm đấu giá điện tử, đấu giá trực tuyến từ lâu rồi. Người đấu giá có thể ở bất kỳ đâu cũng tham gia đấu giá được và thậm chí người ta còn có thể chấm điểm được các thành viên tham gia. Phải sửa đổi như thế thì luật mới lâu dài được, chứ bây giờ vẫn quy định đấu giá viên ghi phiếu đấu giá rồi bỏ vào hòm phiếu, tức là rất trực tiếp, rất lạc hậu”, ĐB Nguyễn Hữu Toàn nói.

Liên quan đến tài sản đấu giá, dự thảo Luật quy định rất nhiều loại và có một quy định “quét” là “các loại tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá”. Theo ĐB Nguyễn Hữu Toàn, câu “quét” này là quan trọng nhất vì các loại tài sản đã được liệt kê cụ thể trước điều khoản này về bản chất cũng là tài sản phải thực hiện theo quy định của luật tương ứng.

“Cứ liệt kê như thế thì không bao giờ hết được. Chúng ta phải quy định bao quát hơn, các tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của luật tương ứng thì quy trình, thủ tục đấu giá thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Tức là Luật Đấu giá tài sản là luật về quy trình, thủ tục đấu giá tài sản, còn cứ tài sản nào phải đấu giá thì thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch và chính xác”, ĐB Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) nhận thấy, khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật đã loại bỏ nội dung tài sản là quyền sử dụng và quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng. Đại biểu đề nghị cân nhắc giữ lại quy định này vì theo quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì đấu giá là hình thức quan trọng để xác định tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận cấp phép sở hữu quyền khai thác và quyền sử dụng. Việc giữ lại quy định này như Luật Đấu giá tài sản năm 2016 sẽ bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành, đồng thời cũng bảo vệ chặt chẽ lợi ích của nhà nước trong đấu giá, quản lý, sử dụng tài sản là rừng.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quy-trinh-thu-tuc-dau-gia-tai-san-van-qua-lac-hau--i349184/