Quy trình tuyển dụng chặt chẽ nhưng chúng ta không nắm được cán bộ
Quy trình tuyển dụng chúng ta làm rất chặt chẽ nhưng chúng ta lại không nắm được cán bộ, dẫn đến việc chọn không đúng người, không hiểu được cán bộ, thậm chí không nắm được những vấn đề sai phạm của cán bộ.
Đại biểu Phùng Văn Hùng chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. Ảnh: quochoi.vn
Chặt mà “lỏng”
Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về quy trình tuyển dụng cán bộ chặt chẽ nhưng tại sao lại để lọt những cán bộ sai phạm đạo đức công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, để tuyển dụng chúng ta làm rất chặt các quy trình, từ chủ trương, tiêu chí, điều kiện… nhưng quan trọng là chúng ta không nắm được cán bộ. Từ đó dẫn đến việc chọn không đúng người, không hiểu được cán bộ thậm chí không nắm được những vấn đề sai phạm của cán bộ.
Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức cũng lỏng lẻo, có những cán bộ khai không trung thực mà không phát hiện được. Nhiều hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến cơ quan, tổ chức rất lâu nhưng không được xác minh mà đem cất vào tủ. Từ đó, xảy ra tình trạng hồ sơ cái gì cũng đẹp hết, đến khi đề bạt bổ nhiệm rồi mới thấy có vấn đề, học hành không đàng hoàng, rồi khai gian lý lịch...
“Bộ Nội vụ đã giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu tổ chức khi nhận hồ sơ cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại trong việc xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chứ không phải chỉ thấy có chữ ký của Vụ trưởng tổ chức, chữ ký của cơ quan, đơn vị gửi đến coi như có trách nhiệm thuộc cơ quan đó”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Sở Nội vụ, Ban Tổ chức và cán bộ, tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ ở các địa phương phải kiểm tra hồ sơ. Đặc biệt, khi đề bạt chức vụ cao hơn phải thực hiện quản lý xuyên suốt, liên tục; phải quản lý từ ngay từ đầu, từ việc tuyển dụng, học hành cho đến khi đề bạt, bổ nhiệm, giống như đánh giá cán bộ.
Nhiều trường hợp tuyển dụng sai nay đã là cán bộ cấp cao
Trả lời đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) về những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm quá số lượng quy định; bổ nhiệm người nhà, người thân và đại biểu đề nghị Bộ trưởng công khai các trường hợp này… Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, căn cứ kết luận 43 và kết luận 48 của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị của Trung ương làm báo cáo bước đầu tự kiểm tra về kết quả sai phạm về công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng.
"Con số báo cáo kết quả kiểm tra này đã được Ban tổ chức Trung ương tổng hợp báo cáo chung cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Nội vụ chỉ chịu trách nhiệm tổng kết báo cáo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho hay, sai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất trong số các sai phạm. “Hiện nay có những đồng chí sai phạm trong thời điểm thực hiện kết luận nay đã là cán bộ cấp cao, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý phù hợp vừa đảm bảo nghiêm minh, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và đặc biệt chuẩn bị cho Đại hội Đảng, các cấp”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, có những tỉnh sai phạm về tuyển dụng trên 1.700 trường hợp, có tỉnh chỉ vài ba chục trường hợp, vài trăm trường hợp mà nguyên nhân là do các chính sách đặc thù của từng địa phương. Một số địa phương có chính sách tuyển dụng không phù hợp với các quy định của pháp luật nên Bộ Nội vụ đề nghị giải quyết theo thông báo Kết luận 43 của Ban Bí thư.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin thêm, một số trường hợp sai phạm trong tuyển dụng như ý kiến của đại biểu Quốc hội rơi vào những trường hợp đã được bổ nhiệm trước tháng 6/2012, tức là trước khi ban hành kết luận 43 của Bộ Chính trị hoặc nằm trong giai đoạn từ tháng 6/2012 đến 27/12/2017 đang vẫn xem xét lại.
Xem xét chuyển chức danh hàm thành chuyên gia cao cấp
Trả lời đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) về việc một số cơ quan Trung ương bổ nhiệm chức danh hàm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng đã khẳng định, Đảng, Nhà nước không quy định “hàm”.
Để thực hiện chủ trương này, năm 2017 Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về hàm thư ký, trợ lý, chuyên viên cao cấp. Năm 2018, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành xây dựng văn bản quy định về chuyên viên cao cấp, chức danh trợ lý, chức danh thư ký, chuyên gia cao cấp... để sớm trình Bộ Chính trị về các chức danh này.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, các Ủy viên Trung ương đều có thư ký nhưng không có chức danh, phụ cấp gì cả và chức danh “hàm” hiện nay có rất nhiều ở các bộ, các cơ quan của Đảng.
“Bây giờ Bộ đang xem xét để chuyển từ chức danh hàm thành chuyên gia cao cấp, còn hiện nay không có quy định chức danh hàm”, Bộ trưởng nói.