Quy tụ dân cư, kinh nghiệm thực tiễn miền cực Bắc- Kỳ cuối: Đến cách làm linh hoạt, sáng tạo
Trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí, ổn định dân cư giai đoạn 2011 – 2015, định hướng 2020. Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bố trí 17.710 hộ theo hình thức ổn định tại chỗ, xen ghép tại các điểm dân cư, kinh phí thực hiện trên 2.000 tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả Quyết định 193 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, ngày 11.8.2011 UBND tỉnh đã ban hành Đề án 105 quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản; gắn với xây dựng NTM. Mục tiêu, đến hết năm 2015, bố trí, sắp xếp 4.119 hộ nằm ngoài quy hoạch theo Quyết định 193; kinh phí thực hiện khoảng 469 tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn vốn T.Ư và ngân sách địa phương. Định mức hỗ trợ, 50 triệu đồng đối với các hộ thôn biên giới, 32 triệu đồng thôn nội địa (xã biên giới), 20 triệu đồng ở các xã nội địa và ổn định tại chỗ hỗ trợ 10 triệu đồng.
Thực hiện đề án, Sở Nông nghiệp và PTNT – cơ quan thường trực triển khai đề án thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra hồ sơ thuyết minh phương án quy tụ dân cư, các quyết định phê duyệt số hộ di chuyển, quyết định phân bổ kinh phí; kiểm tra thực tế tại các xã, thôn, phỏng vấn trực tiếp các hộ được hưởng lợi và cộng đồng dân cư được đầu tư các hạng mục hạ tầng. Qua đó, kịp thời báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai và tham mưu các giải pháp giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh di chuyển, quy tụ được 4.401 hộ đến nơi ở mới, vượt 282 hộ so với mục tiêu ban đầu. Có 386 đầu điểm công trình được đầu tư mới hỗ trợ cộng đồng dân cư có hộ di chuyển về, gồm: 64 công trình thủy lợi, 87 công trình đường giao thông, 98 công trình cấp nước sinh hoạt, 19 nhà văn hóa thôn, 116 lớp học, 2 trạm y tế… Tổng nguồn vốn thực hiện gần 213 tỷ đồng, bằng gần 50% dự kiến ban đầu; trong đó, vốn hỗ trợ trực tiếp các hộ gần 78 tỷ đồng, vốn đầu tư các công trình hỗ trợ cộng đồng trên 133 tỷ. Định suất hỗ trợ các hộ di chuyển bình quân khoảng 48 triệu đồng, bằng khoảng 7% định suất hỗ trợ của các dự án bố trí dân cư từ nguồn vốn T.Ư hỗ trợ.
Nối tiếp thành công của Đề án 105, ngày 14.7.2017, HĐND tỉnh thông qua Đề án quy tụ dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020; ngày 22.8.2017, UBND tỉnh phê duyệt đề án tại Quyết định số 1631. Mục tiêu quy tụ 4.692 hộ, trong đó 3.599 hộ vùng thiên tai, 929 hộ địa bàn biên giới và 164 hộ vùng đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện gần 96,5 tỷ đồng lồng ghép từ các nguồn vốn T.Ư và ngân sách tỉnh.
Từ kinh nghiệm, kết quả triển khai các dự án bố trí dân cư trước đây, chỉ trong 2 năm 2018 – 2019, toàn tỉnh hoàn thành quy tụ 4.777 hộ, theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ, hoàn thành trước 1 năm so với nghị quyết HĐND tỉnh và vượt mục tiêu 85 hộ; bình quân mỗi năm hoàn thành quy tụ trên 2.380 hộ. Số kinh phí thực hiện giảm trên 8,5 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu; định suất mỗi hộ di chuyển khoảng 19 triệu đồng, bằng khoảng 40% định suất thực hiện Đề án 105 và khoảng 1/35 định suất các dự án bố trí dân cư tập trung.
Tìm hiểu thực tế đời sống người dân được quy tụ theo Đề án 105 và 1631 tại xã Du Già (Yên Minh), nhất là ở xóm hạ sơn Thâm Luông và Khâu Rịa; chúng tôi thấy hầu hết các hộ có nhà cửa khang trang, phù hợp với phong tục, tập quán từng dân tộc. Anh Thào Nhè Chứ, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Thâm Luông chia sẻ: Gia đình tôi là một trong hơn 60 hộ được di chuyển về đây theo Đề án 105 của tỉnh. Các gia đình hạ sơn có cuộc sống tốt hơn, được nhà nước đầu tư “hồ treo”, làm đường bê tông liên thôn, nội thôn kiên cố, sạch sẽ, điện lưới kéo đến từng nhà, con cháu đi học gần nhà, phấn khởi lắm. Cả thôn, nhà nào cũng có xe máy, ti vi; 100% các hộ có trâu, bò, hộ ít có 2 con, nhiều 5 – 6 con, kinh tế ngày càng khấm khá.
Qua triển khai thực hiện Đề án 105 và 1631, bình quân mỗi năm, tỉnh ta di chuyển, quy tụ được trên 1.300 hộ, hoàn thành mục tiêu quy tụ dân cư theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020.
Theo ông Hoàng Hồng Trường, Chi cục Trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT): Thành quả đó khởi nguồn từ cách làm bài bản, thống nhất, chắc chắn, cụ thể từ định hướng, chỉ đạo của tỉnh đến tổ chức thực hiện ở cơ sở. Trước khi ban hành đề án, UBND tỉnh yêu cầu các huyện rà soát, thống kê số hộ cần quy tụ, ưu tiên các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, các gia đình sinh sống ở những vùng xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ thiên tai; gia đình chính sách, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, biên giới, nhà ở xuống cấp,… đưa vào diện ưu tiên. Đồng thời, thẩm tra kỹ các hạng mục sẽ đầu tư cho cộng đồng dân cư có hộ di chuyển về, đảm bảo đáp ứng đúng mong mỏi của nhân dân, gắn với xây dựng NTM.
Các đề án quy tụ dân cư đặc thù của tỉnh có ưu điểm là không phải điều chỉnh, bố trí đất ở, đất sản xuất do các hộ tự thỏa thuận, trao đổi với nhau; kiểu dáng nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán; đất sản xuất nơi ở cũ cơ bản vẫn được các hộ canh tác; các hộ di chuyển về nơi ở mới được thụ hưởng công trình phúc lợi của cộng đồng và cộng đồng được hỗ trợ đầu tư thêm các công trình phúc lợi, vừa giúp thay đổi diện mạo nông thôn, giảm chi phí đầu tư. Việc di chuyển và ổn định tại chỗ không gây xáo trộn về chính sách hỗ trợ theo vùng của các hộ, vừa đảm bảo công bằng trong cộng đồng dân cư; thời gian di chuyển nhanh, từ 3 – 6 tháng…
Giai đoạn 2011-2019, dù tỉnh ta đã di chuyển, quy tụ, bố trí được gần 9.200 hộ; nhưng theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, vẫn còn gần 8 nghìn hộ cần được bố trí ổn định dân cư. Với kinh nghiệm trong triển khai Đề án 105 và 1631, chắc chắn tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu quy tụ dân cư trong thời gian tiếp theo.
Bài, ảnh: DUY TUẤN