Quỹ từ thiện Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ki-tô hỗ trợ nhiều dự án y tế
Từ khi thành lập đến nay, Quỹ từ thiện Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ki-tô (LDSC) đã thực hiện các nỗ lực nhân đạo, hỗ trợ phát triển tại 195 quốc gia, trong đó có các dự án cho y tế Việt Nam.
1. Các hoạt động nhân đạo chính của LDSC
Nội dung
1. Các hoạt động nhân đạo chính của LDSC
2. Nhiều dự án chăm sóc sức khỏe được triển khai tại Việt Nam
3. Nhân rộng Dự án hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại nhiều địa phương
Quỹ từ thiện Thánh hữu ngày sau được thành lập vào năm 1985, là một nhánh của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ki-tô với 100% nguồn lực thực hiện các nỗ lực nhân đạo đến từ quyên góp cá nhân.
Nhà thờ tự chi trả chi phí quản lý và tận dụng mạng lưới tình nguyện viên toàn cầu, họ đóng góp thời gian và chuyên môn cho các hoạt động của Nhà thờ tại cộng đồng.
LDSC tập trung vào 7 hoạt động nhân đạo và hỗ trợ phát triển gồm: Ứng phó khẩn cấp trợ giúp lương thực, các vật dụng thiết yếu sau khi thiên tai, thảm họa; Nước sạch vệ sinh môi trường; Hỗ trợ trẻ sơ sinh thở; Chăm sóc thị giác; Trợ giúp đi lại cho người khuyết tật; Hỗ trợ ứng phó với đại dịch COVID-19 toàn cầu…
Từ tháng 3 năm 2014, LDSC được cấp Giấy phép văn phòng dự án tại Việt Nam, được phép hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ thiên tai tại TP. Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Nam Định, Tuyên Quang, Hòa Bình, Long An, Bến Tre và Đồng Nai.
2. Nhiều dự án chăm sóc sức khỏe được triển khai tại Việt Nam
Từ năm 2014 đến nay, LDSC đã và đang triển khai rất nhiều hoạt động, dự án gồm: Ứng phó khẩn cấp (hỗ trợ thiên tai, ứng phó với đại dịch COVID-19); Chăm sóc thị giác; 13 hoạt động hỗ trợ một số bệnh viện tỉnh, bệnh viện và trung tâm y tế huyện; 11 hoạt động hỗ trợ, chăm sóc người nghèo; Tổ chức 16 dự án với chương trình dạy nghề, cung cấp thiết bị âm thanh nhằm phát huy tính tự lập và sống độc lập cho 81,416 người khuyết tật.
Thực hiện 35 dự án xây dựng hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh và tổ chức tập huấn về vệ sinh cá nhân, hướng dẫn giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo trì hệ thống với số giáo viên, học sinh và người được hưởng lợi lên đến 103.923 người. Thực hiện 32 dự án cung cấp xe lăn, khung tập đi cho 10.297 người để tăng khả năng đi lại, khả năng làm việc và tính độc lập trong sinh hoạt.
Từ tháng 9 năm 2018, LDSC phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth) bắt đầu triển khai Dự án Hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại Việt Nam.
Hỗ trợ trẻ thở (Helping Babie Breathe - HBB) được thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu trong điều kiện hạn chế nguồn lực về kỹ thuật và nhân lực, đã chứng minh góp phần giảm tử vong sơ sinh lên đến 47% và giảm tử vong do ngạt ngay sau sinh lên đến 24%.
Sau gần hai năm thực hiện, Dự án đạt được được nhiều kết quả như:
Tài liệu Hỗ trợ trẻ sơ sinh thở được dịch sang tiếng Việt, chỉnh sửa theo Hướng dẫn Quốc gia về sức khỏe sinh sản và trình Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt tại Quyết định số: 220/QĐ-K2ĐT ngày 28/12/2018; Tổ chức Hội thảo tập huấn cập nhật về kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở cho 40 bác sĩ sản/nhi, điều dưỡng trưởng từ các Bệnh viện Sản, Nhi Trung ương và một số Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, thành phố; triển khai tập huấn cho 818 cán bộ tại tỉnh Thanh Hóa và 523 cán bộ tại tỉnh Quảng Nam; Cấp phát 790 bộ dụng cụ hỗ trợ cho Thanh Hóa và 292 bộ dụng cụ hỗ trợ cho Quảng Nam để thực hiện hỗ trợ trẻ sơ sinh thở từ tháng 3/2019.
3. Nhân rộng Dự án hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại nhiều địa phương
Với mục đích góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của bà mẹ, trẻ em thông qua việc tập huấn và áp dụng kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại một số tỉnh, thành phố, căn cứ kết quả dự án năm 2018 - 2019, LDSC phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth) tiếp tục nhân rộng Dự án hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Sơn La, Đăk Lăk, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu và An Giang; tập huấn cập nhật cho 03 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn đã được tập huấn hỗ trợ trẻ thở trước đây; đồng thời duy trì giám sát hỗ trợ cho 02 tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam.
Từ tháng 9 năm 2019 đến nay, Dự án đã tiến hành nhân rộng kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại Quảng Ninh, Sơn La, Đăk Lăk, Bình Phước, Nghệ An, Hà Tĩnh và tổ chức tập huấn cập nhật cho 03 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn.
Tại mỗi tỉnh, dự án triển khai các hoạt động gồm tập huấn cho 20 giảng viên, giám sát viên tuyến tỉnh; sau đó với sự giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của giảng viên TW, các giảng viên tuyến tỉnh sẽ trực tiếp tập huấn cho 300 - 350 cán bộ cung cấp dịch vụ tỉnh, huyện và xã. Dự án cũng cung cấp dụng cụ hỗ trợ tập huấn cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để sử dụng cho tập huấn nhân rộng và giám sát hỗ trợ kỹ thuật đồng thời cung cấp dụng cụ hỗ trợ trẻ sơ sinh thở cho toàn bộ các đơn vị được tập huấn tuyến tỉnh, huyện, xã của các tỉnh dự án. Sau các đợt tập huấn, dự án tiến hành giám sát hỗ trợ kỹ thuật tại một số bệnh viện tỉnh, huyện của các tỉnh dự án.
Mỗi lớp tập huấn đều có sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành, giảng viên trung ương của Bộ Y tế, các giảng viên tuyến tỉnh, học viên sẽ được cập nhật kiến thức, hướng dẫn thực hành các kỹ năng hỗ trợ trẻ sơ sinh thở cần thực hiện tại những giây phút đầu tiên ngay sau đẻ (còn gọi là "Phút vàng" - Golden Minute) nhằm cứu sống và mang lại khởi đầu tốt hơn cho những trẻ sơ sinh bị ngạt, không thở được.
Qua 4 năm triển khai kỹ thuật hỗ trợ trẻ sơ sinh thở tại các tỉnh khó khăn, các hoạt động tập huấn của dự án đã từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành chăm sóc trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ cho cán bộ chuyên ngành sản phụ khoa, nhi/sơ sinh, góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong trẻ sơ sinh tại Việt Nam.