Quy y ở tuổi nào là phù hợp?

Quy y Tam bảo là một việc hệ trọng của đời người nên cần nhận thức đầy đủ vấn đề để giữ vững đức tin và thực hành đời sống đạo. Cháu mong quý Báo cho biết, trong Phật giáo, độ tuổi nào phát tâm quy y Tam bảo là phù hợp? Có trường hợp nào quy y Tam bảo ở độ tuổi nhỏ hơn cháu không?

GNO - Sau khi tham dự khóa tu mùa hè dành cho thiếu niên, cháu và em của cháu muốn phát nguyện quy y Tam bảo để trở thành Phật tử. Tuy nhiên, một số người góp ý rằng cần đợi thêm thời gian nữa, đến tuổi trưởng thành rồi phát nguyện quy y Tam bảo sẽ hay hơn. Quy y Tam bảo là một việc hệ trọng của đời người nên cần nhận thức đầy đủ vấn đề để giữ vững đức tin và thực hành đời sống đạo. Cháu mong quý Báo cho biết, trong Phật giáo, độ tuổi nào phát tâm quy y Tam bảo là phù hợp? Có trường hợp nào quy y Tam bảo ở độ tuổi nhỏ hơn cháu không?

(KHÔI NGUYÊN, ngkhoi…@gmail.com)

Bạn Khôi Nguyên thân mến!

Quy y Tam bảo đúng pháp là người quy y đối trước Tam bảo tự giác phát nguyện quay về nương tựa ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng đến trọn đời. Sau khi tự nguyện nói lên ba lần lời phát nguyện quy y Tam bảo, pháp quy y thành tựu, vị ấy chính thức trở thành Phật tử.

Về độ tuổi phù hợp để phát tâm quy y Tam bảo, trong kinh điển Phật giáo không nói cụ thể. Tuy vậy, chúng ta có thể dựa vào kinh Trung bộ (kinh Vương tử Bồ-đề, số 85) để liên hệ đến vấn đề tuổi tác của người quy y. Trong kinh, vương tử Bồ-đề đã nói với gia nhân như sau: “Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân của ta, ta tự nghe như sau: Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng’.

Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẵm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng’. Và nay, này Sanjikaputta, lần thứ ba ta quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.

Đoạn kinh cho thấy, Thế Tôn đã chấp nhận việc quy y của vương tử Bồ-đề, từ lúc còn trong bào thai, đến khi sinh ra ở tuổi sơ sinh, cho đến lúc trưởng thành. Rõ ràng, lúc trong bào thai và ở tuổi sơ sinh, vị ấy chưa biết gì nhiều, cha mẹ đại diện xin quy y như là cách trợ duyên, đánh thức thiện căn, nhằm gieo trồng hạt giống lành với Tam bảo. Những hạt giống thiện lành này được ươm mầm, nhờ gia đình dìu dắt sẽ đâm chồi và kết hoa trái, giúp vương tử Bồ-đề tự giác phát nguyện quy y lúc trưởng thành.

Như vậy, lời khuyên của những người lớn, đợi đến trưởng thành hãy quy y cũng có phần đúng. Tuy nhiên, đúng nhất là khi bạn biết đến Tam bảo, lòng phát tâm hướng thiện mong muốn được quy y, tự giác nói lên lời phát nguyện bằng chính lòng thành của mình. Tuổi thiếu niên dù chưa trưởng thành nhưng với thiện căn sâu dày với Phật pháp, hoàn toàn có thể tự phát nguyện quy y để trở thành Phật tử. Từ nền tảng này, nếu tiếp tục được vun bồi, đến tuổi trưởng thành niềm tin Tam bảo sẽ sâu sắc hơn.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/quy-y-o-tuoi-nao-la-phu-hop-post72699.html