Quyền Anh Việt Nam: Góc khuất từ SEA Games 31

Không chỉ chậm trễ thanh toán tiền công, chi phí ăn ở và đi lại cho trọng tài, việc phân công trọng tài làm nhiệm vụ tại SEA Games 31 của Bộ môn quyền Anh - Tổng cục TDTT cũng gây bức xúc

Trả lời câu hỏi của ông Trần Minh Tiến, Chủ tịch Liên đoàn quyền Anh Việt Nam (VBF), về nhân sự trọng tài làm nhiệm vụ tại SEA Games 31, ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 thuộc Tổng cục TDTT - cho rằng do số lượng trọng tài và nhân viên các môn thi đấu được duyệt khá hạn chế nên Tiểu ban Chuyên môn - Kỹ thuật SEA Games 31 quyết định chỉ mời 7/15 trọng tài có bằng quốc tế 1 sao AIBA theo tiến cử của VBF. Số trọng tài còn lại vẫn sẽ có mặt tại đại hội để học tập, quan sát bằng kinh phí do VBF đài thọ, chuẩn bị nguồn cho các sự kiện lớn trong nước và quốc tế sau này.

Phó Chủ tịch VBF Nguyễn Duy Hùng (đứng) làm việc với các chuyên gia AIBA ở SEA Games 31 (Ảnh: LÊ BÙI)

Phó Chủ tịch VBF Nguyễn Duy Hùng (đứng) làm việc với các chuyên gia AIBA ở SEA Games 31 (Ảnh: LÊ BÙI)

Vậy là phát biểu của ông Vũ Đức Thịnh, phụ trách Bộ môn quyền Anh thuộc Tổng cục TDTT, về việc "Tổng cục TDTT ra quyết định triệu tập các trọng tài đủ tiêu chuẩn để điều hành thi đấu tại đại hội" là không chuẩn xác vì nguyên nhân chính là vấn đề ngân sách. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, số lượng giám sát, trọng tài môn quyền Anh làm việc tại SEA Games 31 là 40 người, hoàn toàn khớp với thông tin lực lượng trọng tài môn kickboxing được đưa sang hỗ trợ.

Phát biểu trên một tờ báo trung ương ngày 5-10, ông Vũ Đức Thịnh đặt nghi vấn về lá thư của Liên đoàn quyền Anh châu Á (ASBC) mà nội dung yêu cầu về số lượng nhân sự và bằng cấp quốc tế của đội ngũ trọng tài sẽ làm việc tại SEA Games 31. Chính ASBC và đích thân Tổng Thư ký Ali Salammeh gửi thư xin lỗi về sai sót của bộ phận thư ký của tổ chức này khi dùng mẫu thư điện tử cũ và dùng mẫu chữ ký của cựu chủ tịch ASBC nhiệm kỳ trước. Tổng Thư ký Ali Salammeh xác nhận lại các yêu cầu của ASBC về số lượng nhân sự và bằng cấp quốc tế của đội ngũ trọng tài trong văn bản mới do ông ký tên nhưng hoàn toàn bị phía Việt Nam phớt lờ.

Theo ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch VBF và là Ủy viên Ban Tổ chức thi đấu môn quyền Anh SEA Games 31, VBF từng có văn bản gửi Tổng cục TDTT về việc tổ chức này không được mời tham gia soạn thảo điều lệ thi đấu môn quyền Anh tại SEA Games 31, cũng như không được tham khảo ý kiến về việc thành lập đội tuyển quốc gia môn quyền Anh dự SEA Games 31 dù VBF có đầy đủ quyền và nghĩa vụ về tất cả những vấn đề trên.

Từ dư luận ồn ào những ngày qua về việc chi trả tiền làm nhiệm vụ, tiền ăn ở di chuyển cho lực lượng trọng tài còn nhiều khuất tất, bao gồm cả việc chuyển trả một số khoản sau khi SEA Games 31 kết thúc đã hơn 4 tháng và trả qua tài khoản cá nhân của ông chuyên viên phụ trách bộ môn quyền Anh.

Biết rõ cả nước chỉ có 1 trọng tài quốc tế AIBA 3 sao (đã nghỉ) và 14 trọng tài đẳng cấp 1 sao, thế nhưng điều lệ môn quyền Anh do phía Việt Nam soạn thảo vẫn cài nội dung trọng tài phải có đẳng cấp AIBA 2 sao, tức tự loại chính mình ở cuộc chơi trên sân nhà khi chưa bắt đầu.

Bức tranh toàn cảnh làng quyền Anh Việt Nam nhìn từ hậu trường quả có nhiều mảng màu u ám mà những người có trách nhiệm cần xử lý triệt để, trả lại môi trường lành mạnh cho môn võ thuật này phát triển theo xu hướng tích cực cần có.

ĐÔNG LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/quyen-anh-viet-nam-goc-khuat-tu-sea-games-31-20221007212639485.htm