Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói gì về xã hội hóa y tế?

Xã hội hóa y tế và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện công là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi cho ý kiến về dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) sáng 21/9.

Liên quan đến khoản 5 Điều 4, dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đề cập đến quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động khám chữa bệnh, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng cần rà soát lại các nội dung để làm sao phản ánh đúng chính sách quản lý của Nhà nước trong hoạt động khám, chữa bệnh, đó là vai trò chủ đạo, tính chủ đạo phải được thể hiện ở những nội dung này.

BÀ NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Trong vấn đề xã hội hóa, vai trò chủ đạo trong xã hội hóa đối với khám, chữa bệnh như thế nào? Chúng ta không có sự liên thông và thể hiện được vấn đề này thì đương nhiên phải xã hội hóa, nhưng không cẩn thận nó đi quá xa sự quản lý của nhà nước và tính chủ đạo của nhà nước trong lĩnh vực y tế."

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, thực tế hiện nay có hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang, của quân đội, công an cũng rất mạnh và tham gia vào khám, chữa bệnh, điều trị cho nhân dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong luật cần thể hiện rõ việc huy động tổng lực xã hội tham gia vào hoạt động khám chữa bệnh.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Nếu chỉ phân cấp chuyên môn kỹ thuật đối với một phần của hệ thống đó thì chưa chắc đã huy động được lực lượng các cơ sở khám, chữa bệnh này vào tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các đồng chí cần làm rõ thêm. Quan điểm của chúng tôi là nên xem xét để phân cấp chuyên môn kỹ thuật đối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, kể cả cơ sở của lực lượng vũ trang, tất nhiên là nó sẽ có đặc thù, sẽ có những quy định riêng và kể cả những cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập".

Giải trình về vấn đề này, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, xã hội hóa là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên hiện nay xã hội hóa nhưng y tế công lập vẫn là chủ yếu nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực trong hoạt động khám chữa bệnh.

BÀ ĐÀO HỒNG LAN, Quyền Bộ trưởng Y tế: "Mặc dù xã hội hóa là chủ yếu nhưng liên quan đến công lập vẫn là chủ yếu. Bởi vì, hiện nay khoảng 95% đến 98% vẫn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh của Nhà nước. Cho nên, mặc dù tự chủ, mặc dù xã hội hóa nhưng vai trò của nhà nước trong vấn đề đầu tư, quan tâm cho lĩnh vực y tế chúng tôi nghĩ vẫn là trọng tâm. Vấn đề này được thể hiện trong luật như thế nào thì chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của các đồng chí Thường vụ Quốc hội để thể hiện".

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo luật chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị trên tinh thần tích cực, khẩn trương.

Thực hiện : Tiến Dũng Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quyen-bo-truong-y-te-dao-hong-lan-noi-gi-ve-xa-hoi-hoa-y-te